Có việc, tôi sang nhà chị Bảy trò chuyện, vừa lúc cháu của chị đi học về. Thằng Phi Hoàng cháu của chị, học sinh lớp 3 một trường tiểu học, vai đeo cái cặp to tướng,chạy xộc vào nhà, chưa kịp tháo mũ bảo hiểm và chào hỏi ai, cậu bé vừa chạy lên gác vừa nói: “Ngoại ơi, mẹ ơi, lát nữa con mới tắm rửa, ăn cơm nhen? Bây giờ con phải lên máy tính, vô Google tìm bài tập mới được.
Hồi chiều bạn con vừa chỉ cho...”. Chưa dứt câu nói, cu cậu đã nhảy tót lên ghế xoay, tay nhấp chuột, gõ bàn phím, mắt đăm đăm nhìn vào màn hình. Chợt nó hét lớn mừng vui: “A ha, đây rồi. Con tìm ra rồi ngoại ơi, mẹ ơi...!”. Sau đó mới vỡ lẽ, thằng bé được bạn bè hướng dẫn tìm các bài tập làm văn mẫu tả con vật trên mạng điện tử để nghiên cứu, chuẩn bị thi học kỳ. Trước sự phấn khởi, hớn hở của thằng bé, người lớn có mặt ở đó chỉ biết im lặng nhìn nhau, không biết mừng hay lo!?
Cạnh nhà tôi, cô học trò lớp 7 Ngọc Thảo thích Internet hơn là đọc truyện cổ tích và thơ, cũng thường làm bạn với Google để “lượm” những bài tập làm văn nghị luận, giải thích mà theo em là hóc búa và khó hiểu. Có lần tôi hỏi “ Sao em không tập quan sát, tìm hiểu thực tế để tự mình làm bài?”. Vẫn con mắt chăm chú đọc những dòng chữ nhấp nháy trên màn hình vi tính, Thảo trả lời tỉnh bơ: “Các bạn ở lớp em đều làm như vậy hết. Hơi đâu mà suy nghĩ cho mệt khi chỉ cần nhấp chuột là có…”.
Hiện nay, nhiều học sinh tiểu học đã sử dụng thành thạo vi tính, khám phá và tìm hiểu mọi sự việc, hiện tượng thông qua các trang tin tức trên mạng điện tử. Bất cứ cái gì chúng cũng tra cứu trên mạng không thèm động não suy nghĩ. Công bằng mà nói, với sự phát triển nhanh chóng, không ngừng của công nghệ thông tin, con người được tiếp cận và cập nhật liên tục các thông tin trên nhiều lĩnh vực, phục vụ đắc lực và giúp ích rất nhiều cho con người, rút ngắn thời gian, tiền bạc. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, nó làm cho con người, nhất là trẻ em lười quan sát, tư duy, không đọc sách, ít chịu tiếp thu và chỉ nhớ tức thời, hời hợt và thoáng qua, không sâu sắc. Tả con vật, đồ vật và bình luận về ích lợi của chúng đối với đời sống con người mà không biết tìm hiểu, quan sát mà chỉ đơn giản là lên mạng “tìm chớp nhoáng” thì có ngay bài văn hoàn chỉnh nộp cho cô giáo.
Với cách lười tư duy, quan sát cuộc sống và kiểu học trên máy tính sẽ vô tình phát sinh một bộ phận giới trẻ theo kiểu “ăn xổi ở thì”, thụ động, lười suy nghĩ, máy móc, thiếu chính kiến... Đáng ngại hơn là từ thói lười suy nghĩ, tư duy sẽ hình thành ở trẻ sự hời hợt, thiếu chín chắn trước các sự việc, thiếu ý chí tự lực, tự cường, quyết đoán trong giải quyết vấn đề cá nhân... Việc tiếp cận và thành thạo Internet là thể hiện sự tiến bộ, năng động của thế hệ trẻ, thế nhưng quá lạm dụng “tri thức mạng” dẫn đến việc lười quan sát, tư duy là không nên và có thể gây tác hại trong cuộc sống sau này.
NGUYỄN MAI LINH