Học và nghiên cứu bài học ở thư viện trường để củng cố và mở rộng kiến thức. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Trần Rịa (Tuy An) đọc sách tại thư viện trường. - Ảnh: T.HẰNG
Đối với giáo dục, mọi việc được bắt đầu từ quan điểm đến chương trình, nội dung sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học, phương pháp lên lớp của thầy và cách học của trò. Tất cả đều thuộc nội hàm của việc cải cách thì mới mong cải cách thành công. Tuy nhiên, hình như tư duy của các nhà quản lý giáo dục, các nhà biên soạn sách giáo khoa vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn xưa cũ nên chỉ dừng lại ở mức độ dạy học sinh biết trả lời câu hỏi “là gì?” chứ chưa tập trung hướng dẫn học sinh biết cách giải quyết vấn đề “như thế nào?”. Chính suy nghĩ ấy, quan điểm ấy đã chi phối đến việc hình thành chương trình, nội dung sách giáo khoa, lề thói thi cử.
Nói một cách công bằng, ngành giáo dục cũng đã xác định mục tiêu, kế hoạch, chương trình… để thực hiện việc đổi mới trong toàn ngành nhưng thực chất kết quả đã không được như mong muốn. Thói quen học theo kiểu thụ động đã ảnh hưởng đến cách dạy của người thầy và chính thầy giáo cũng không chịu đổi mới, không kịp đổi mới, hoặc không thể đổi mới. Công cuộc đổi mới còn dừng ở lý thuyết hơn là thực sự trở thành hành động tự giác và thường xuyên.
Trước đây, khi bàn về kế sách giáo dục, người ta thường nói đó là việc trăm năm. Ngày nay khi tốc độ phát triển của xã hội ngày càng cao, loài người bắt đầu bước vào thời kỳ hậu công nghệ thông tin thì quan điểm ấy đã đổi thay. Thực tế, “Kế sách giáo dục” giờ đã trở thành chuyện của mười năm. Mong sao các nhà lãnh đạo quản lý sớm tập hợp được những đầu óc minh triết nhất để bàn kế sách giáo dục nhằm giúp đất nước thoát cảnh đi sau người ta. Hiện thực cuộc sống đổi thay, nếu giáo dục không đổi thay thì nền giáo dục ấy không thể trụ vững trước bao yêu cầu cần đáp ứng của thời đại.
CHÁNH LỘC