Trong những năm gần đây, chương trình khuyến công đã triển khai nhiều dự án (DA) đào tạo nghề và hỗ trợ trang thiết bị từ chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giúp các xã nghèo trên địa bàn có thêm nghề tiểu thủ công nghiệp như đan mây tre lá, gỗ, dừa, gốm, ốc mỹ nghệ, chế biến mực khô tẩm sấy, hoa quả khô tẩm sấy… Gần 4.000 lao động nông thôn được học nghề, có thêm thu nhập từ 350.000- 400.000 đồng/ lao động/ tháng từ nghề mới.
Điều đáng quan tâm là khuyến khích các cơ sở tiểu thủ công nghiệp tiếp nhận các dự án khuyến công để phát triển nghề và tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.
Cơ sở sản xuất TCMN Đồng Nhất thu hút nhiều lao động nữ của làng nghề Vinh Ba làm việc – Ảnh: MINH NGUYỆT
Thực tế cho thấy khi các DA được đưa về cho các địa phương, HTXNN thường là nơi ưu tiên tiếp nhận DA. Đối với nghề đan mây tre lá xuất khẩu, vì đã có những doanh nghiệp trên địa bàn bao tiêu sản phẩm, có thị trường ổn định nên các chủ DA không phải lo lắng nhiều. Các HTX chỉ việc vận động xã viên, người lao động tham gia sản xuất và duy trì số lượng làm việc. Còn với những nghề mới như chế biến mực khô tẩm sấy, đan cọng dừa mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ… do chưa có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất sau khi DA kết thúc. Có nơi chủ các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tại địa phương muốn đứng ra tiếp nhận DA nhưng không cạnh tranh lại với HTXNN vì họ là “tư nhân”. Nhưng với trình độ và năng lực còn rất hạn chế của đội ngũ cán bộ HTX hiện nay, nhiều DA sau khi kết thúc thì cũng ngưng hoạt động luôn vì sản phẩm làm ra không có thị trường, người lao động vừa được đào tạo lại phải nghỉ việc, lãng phí trang thiết bị.
Tuy không phủ nhận hoàn toàn vai trò của HTX trong việc mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nhưng do tư tưởng “cha chung không ai khóc” tồn tại ở một số HTX nên hiệu quả đem lại từ những DA không cao. Trong khi đó, với sự năng động, nhạy bén và kinh nghiệm thương trường, khi tiếp nhận DA, chủ cơ sở sản xuất không những duy trì được nghề mà còn sử dụng lao động qua đào tạo có hiệu quả. Nhiều cơ sở sản xuất ngày càng mở rộng, tự bỏ thêm vốn đào tạo nghề, thu hút và giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động nông nhàn như: Cơ sở gốm mỹ nghệ Hòa Vinh, cơ sở chế biến mực Phú An (An Phú, TP Tuy Hòa), cơ sở thủ công mỹ nghệ Đồng Nhất (thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng).
Để tạo nên phong trào thi đua sản xuất CN- TTCN ở khu vực nông thôn, rất cần những cơ sở sản xuất tại địa phương làm nòng cốt. Đó chính là nhân tố tích cực vực dậy những làng nghề, giúp người lao động ở những địa phương nghèo có thêm việc làm, ổn định cuộc sống.
NHÃ ĐOAN