Hiện nay, công tác khen thưởng đã được các ngành, các cấp quan tâm hơn và luôn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Khi Luật Thi đua khen thưởng được ban hành và có hiệu lực, công tác thi đua khen thưởng thực sự đã trở thành động lực quan trọng trong việc thúc đẩy mọi người, mọi thành phần trong xã hội thi đua lao động sản xuất, học tập sáng tạo, sẵn sàng chiến đấu... Lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã coi công tác thi đua, khen thưởng là một trong những biện pháp quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị có hiệu quả, thực sự có tác dụng động viên cán bộ, CNVC và người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong các hội nghị sơ, tổng kết, các ngành, các đơn vị đều tiến hành bình bầu, xét chọn nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu. Những tập thể, cá nhân được khen thưởng rất phấn khởi, tự hào, giữ gìn phần thưởng và phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc hơn. Họ nhận thức sâu sắc được giá trị của việc động viên, khen thưởng nên càng phấn đấu cao hơn với mục đích vô tư trong sáng.
Bên cạnh những trường hợp nêu trên, hiện nay vẫn còn một số đơn vị, cá nhân nhận thức chưa đúng đắn về công tác thi đua, khen thưởng. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng có tổng kết là có khen thưởng, mà chưa có sự đánh giá, so sánh về hiệu quả, kết quả của việc làm và thành tích đơn vị mình, cá nhân mình đạt được đến đâu, xứng đáng ở mức độ nào? Chỉ vì nhận thức và chưa hiểu đúng về khen thưởng nên một số người coi khen thưởng như một môn “thi đấu thể thao” phân thắng bại, ăn thua cay cú, đã có những lời nói thiếu thiện ý và tinh thần xây dựng về thi đua, khen thưởng. Cùng với những tiêu cực của người không được khen cũng có những biểu hiện không lành mạnh của người được khen. Một số ít cá nhân khi được khen đã biểu hiện sự khoe khoang, tự mãn, chỉ có tôi mới được khen, vì tôi có sáng kiến, có giải pháp hữu ích trong công tác...
Hy vọng rằng trong thời gian tới, ở mỗi đơn vị, mỗi cá nhân chúng ta nhận thức đúng đắn hơn về ý nghĩa của khen thưởng và phấn đấu để được khen thưởng với một động cơ, mục đích đúng đắn, trong sáng hơn. Hãy xóa bỏ tư tưởng được khen thưởng là cơ sở để đạt mục đích không trong sáng khác. Chúng ta càng không thể coi khen thưởng là một thứ quà để ban phát, ban ơn. Hãy hiểu đúng ý nghĩa của việc khen thưởng như lời Bác Hồ đã dạy: “...thưởng phạt phải nghiêm minh, có công thì thưởng, có lỗi thì phạt... khen thưởng phải có tác dụng động viên, nêu gương,...”
ĐĂNG KHOA