Từ lâu, Quảng trường 1 Tháng 4 (phường 7, TP Tuy Hòa) trở thành điểm đến thường xuyên của nhiều người. Buổi sáng, đây là nơi tập thể dục và các hình thức vận động khác để bảo đảm sức khỏe của đông đảo người dân thành phố. Cuối giờ chiều, quảng trường là địa điểm lý tưởng để nhiều người vui chơi, thư giãn… nhất là trong những ngày hè nóng nực. Thế nhưng, thời gian gần đây, có một hiện tượng đang làm xấu bộ mặt của điểm đến này, đó là tình trạng vứt rác vô tội vạ.
Tầm từ 4 đến 6 giờ sáng hằng ngày là thời điểm dễ dàng thấy rác vương vãi nhiều nơi. Rác trên các ghế đá, rác trên bãi cỏ, trên lối đi bộ… trong khuôn viên quảng trường. Rác chủ yếu là ly nhựa kèm ống hút nước giải khát, hộp nhựa đựng thức ăn… của khách tiện tay để lại sau những giờ phút thư giãn, nhìn rất chướng mắt.
Theo quan sát của người viết bài này, có khi các thùng rác đặt chỉ cách ghế đá ngồi giải lao của khách vài bước chân và chưa đầy nhưng người ta vẫn hồn nhiên vứt rác bừa bãi trong khuôn viên quảng trường! Đến khoảng 7 giờ sáng, các loại rác “chưa đến mức gây ô nhiễm trầm trọng này” sẽ được các anh chị công nhân vệ sinh của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Phú Yên dọn dẹp, trả lại bộ mặt thông thoáng, sạch đẹp cho quảng trường. Tuy nhiên, trong giờ cao điểm của cư dân thành phố (và khách du lịch) đến quảng trường để tập thể dục thì tình trạng rác phơi bày nhếch nhác, phản cảm là không thể chấp nhận được, nhất là khi UBND TP Tuy Hòa đang kêu gọi cán bộ, nhân dân cùng chung tay xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp! Được biết, trong những người đến khu vực Quảng trường 1 Tháng 4 để rèn luyện sức khỏe, đôi khi có cả khách nước ngoài. Chắc chắn khi họ chứng kiến người dân địa phương vô tư xả rác như vậy, sẽ có những ý nghĩ không mấy tốt đẹp về hình ảnh con người và đất nước Việt Nam!
Có thể thấy rằng, sở dĩ có tình trạng vứt rác bừa bãi như trên là do lâu nay, một bộ phận người dân vốn có thói quen tùy tiện, nhận thức kém trong gìn giữ, bảo vệ môi trường, dù đã được vận động, nhắc nhở nhiều lần. Để giảm thiểu vấn nạn này, cần có sự chung tay từ nhiều phía. Thứ nhất, cơ quan chức năng cần tăng thêm số lượng thùng rác tại Quảng trường 1 Tháng 4 và đặt ở những nơi thích hợp, đặt bảng nhắc nhở người dân hãy tự giác bỏ các loại rác vào thùng. Thứ hai, các chủ quán bán nước giải khát, thức ăn, chủ các loại xe cho trẻ em thuê vui chơi… ở quảng trường cần nhắc nhở khách hàng bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ. Đồng thời phải có trách nhiệm cùng thu gom rác bỏ vào thùng, trả lại mặt bằng thông thoáng, sạch đẹp cho quảng trường sau cuối mỗi tối mưu sinh. Thứ ba, cơ quan chức năng phải có chế tài mạnh mẽ để ngăn chặn triệt để vấn nạn bỏ rác lung tung. Ngày 23/6/2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành Luật Bảo vệ môi trường và luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Trên cơ sở luật này, cơ quan chức năng của TP Tuy Hòa có thể tham khảo, nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố ban hành các quy định xử lý, phạt tiền đối với hành vi xả rác và các hành vi khác vi phạm vệ sinh môi trường nơi công cộng… Từ quá trình thực hiện xử phạt “đánh vào kinh tế” do vi phạm bảo vệ môi trường ở khu vực Quảng trường 1 Tháng 4, có thể rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các thôn, khu phố, các xã, phường trên địa bàn thành phố.
Xây dựng, hình thành nếp sống văn minh cho cư dân đô thị phải bắt nguồn từ những việc nhỏ. Mỗi công dân nếu làm tốt việc nhỏ thì mới có thể cùng cộng đồng xã hội làm tốt những việc đại sự, lớn lao hơn. Vì thế, rất mong TP Tuy Hòa mạnh tay đối với việc nhỏ như xả rác tùy tiện ở Quảng trường 1 Tháng 4, góp phần xây dựng thành phố tỉnh lỵ ngày càng văn minh, hiện đại.
NGUYỄN VĂN BẢY
(phường 5, TP Tuy Hòa)