Hằng năm cứ đến ngày 21/6 (Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam), chẳng hiểu sao hoa phượng trên đường phố Tuy Hòa và ở cổng Trường tiểu học số 2 Hòa Thịnh quê tôi (có hai cây phượng) nở rực rỡ cả một góc trời. Nhìn cái màu đỏ thắp lên nền trời xanh đẹp đến nao lòng ấy, hẳn có ai đó bất chợt nhớ về trường xưa với bao kỷ niệm bạn bè, thầy cô. Riêng tôi lại bâng khuâng nhớ về một kỷ niệm của tôi với tòa soạn Báo Phú Yên, lúc ấy trụ sở còn đặt ở 193 Trần Hưng Đạo, TX Tuy Hòa.
Tôi cho đó là kỷ niệm bởi lần đầu tiên tôi tập tành làm quen với báo chí. Lần đầu tiên tôi viết bài “Rừng Hòa Thịnh bị tàn phá như thế nào?”. Ý tưởng có đấy, đề tài có tính thời sự nóng bỏng đấy. Nhưng thú thật khi viết, tôi thấy lúng túng, viết xong đọc lại thấy không ổn nên xóa bỏ mấy lần. Sau đó mới nắn nót viết tay trên một mặt giấy, cho vào phong bì rồi đạp xe hơn mười cây số ra bưu điện Phú Thứ mua tem dán, gửi đi.
Gửi bài cho tòa soạn xong, tôi tự cảm thấy mình “quan trọng”.
Trên đường đạp xe về nhà miệng huýt sáo vu vơ… và những ngày sau đó tâm trạng tôi cứ thấp thỏm đợi chờ.
Khỏi nói cái cảm giác mừng vui, sung sướng của tôi khi lần đầu tiên thấy bài viết của mình được báo đăng như thế nào. Hình ảnh con chữ trên bài báo cứ hiện ra trong mắt tôi. Và rồi những ngày sau đó tôi cứ như người đi trong mơ, “tên tuổi” tôi được các anh cán bộ xã biết, thậm chí bà con trong xã cũng biết! Và ngay sau đó, một đợt truy quét lâm tặc được xã huy động toàn lực lượng dân quân du kích… vào rừng triệt phá những lán trại cưa gỗ lậu.
Kể từ đó, “máu” báo chí “nghiệp dư” cứ ám ảnh tôi. Hễ nghe ở đâu có xảy ra việc gì là tôi lập tức tìm cách tiếp cận “phỏng vấn” ghi chép với tư cách là một cộng tác viên khiêm nhường. Tôi đã cộng tác qua ba thời kỳ tổng biên tập, đó là: bác Tô Phương, anh Phạm Ngọc Phi và hiện nay là anh Phạm Thanh Phong. Với tôi, ba tổng biên tập mỗi người đã xây dựng cho tờ báo một phong cách báo chí riêng. Dù không sao tránh khỏi những sai sót hoặc chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thông tin đến với bạn đọc trong thời kỳ hiện đại. Nhưng có thể khẳng định rằng Báo Phú Yên là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, luôn không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng. Báo Phú Yên đã thật sự chiếm lĩnh số đông bạn đọc, nhất là cán bộ hưu trí và công chức ở các khối cơ quan.
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cho phép tôi được nói thêm rằng: Thay mặt số đông bạn đọc vốn yêu thích ấn phẩm Phú Yên cuối tháng, bởi bài vở chọn lọc, phong phú, có nhiều chuyên mục hấp dẫn bổ ích nên ai xem xong cũng lưu giữ trong tủ sách gia đình như một vật kỷ niệm. Nhưng từ khi Phú Yên cuối tháng số 12/2013 là số cuối cùng, tôi như thấy hụt hẫng, nuối tiếc! Bởi Phú Yên cuối tháng như một món “nước chấm” từ lâu bạn đọc xa gần đã “ăn quen ngon miệng”, bỗng dưng bị “cắt” thấy lòng man mác buồn, nỗi buồn không tên của những người “nghiện” báo như tôi.
VŨ HOÀNG GIANG