Mang trong mình căn bệnh viêm thận mãn, không biết ngày “ra viện”, chấp nhận sống chung với bệnh tật vì số phận, cuộc sống trăm bề khó khăn nhưng họ không nản chí trước nghịch cảnh. Vừa đấu tranh chống lại nỗi đau đớn của thân xác, vừa lao động để mưu sinh và nhờ sự “chung tay góp sức” của những tấm lòng nhân ái qua cầu nối của Báo Phú Yên và các chị em làm việc ở Bếp ăn Từ thiện Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nhiều bệnh nhân chạy thận như được tiếp thêm sức sống, vững tin hơn.
Các chị làm việc tại bếp ăn Từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh ủng hộ bệnh nhân viêm thận mãn Trần Nhật Tuấn (xã Hòa Thịnh) - Ảnh: K.LIÊN
Đã 12 năm, anh Trần Nhật Tuấn (SN 1973, ở thôn Mỹ Điền, xã Hòa Thịnh, Tây Hòa) phải chống chọi với căn bệnh suy thận mãn. Gia đình làm nông, nhưng mỗi tuần anh Tuấn phải vào bệnh viện để chạy thận nhân tạo ba lần. Là hộ nghèo, anh chỉ phải đóng 5% viện phí cùng với chi phí đi lại mỗi tháng tốn hơn một triệu đồng, vợ anh phải chật vật lắm mới xoay sở để chồng đến bệnh viện chạy thận kéo dài sự sống. Thu nhập ít ỏi từ mảnh vườn, sào ruộng của vợ không đủ trang trải viện phí và chăm lo cho hai con ăn học, nên mọi thứ đồ dùng trong nhà rồi cũng lần lượt phải bán đi và vay mượn ngân hàng, nợ nần hàng xóm ngày càng chồng chất. Anh Tuấn tâm sự “Nhiều lúc tôi muốn xuôi tay. Làm chồng, làm cha mà sống nhờ vợ, nhờ con, bà con dòng họ, hàng xóm láng giềng… nghĩ mà buồn quá, song nghĩ đến hai con chưa khôn lớn, nên tôi cố, …”. Căn bệnh suy thận mãn làm anh thường xuyên mệt mỏi, da dẻ tái xám, thế nhưng sau khi chạy thận anh vẫn đi bán vé số dạo để kiếm tiền lo thuốc men, ăn uống và nhín chút đỉnh gửi cho các con ăn học. Khi chúng tôi hỏi việc đội nắng, dầm mưa bán vé số nuôi con ăn học, anh cười ngượng nghịu bảo: Tôi chỉ lo tiền chữa trị, nuôi thân cũng đã mệt rồi. Chủ yếu là làm điểm tựa tinh thần cho con, đôi khi nhín ít chi phí sinh hoạt được vài ba trăm giúp con đóng tiền học thôi.
Còn anh Lê Ngọc Phúc (32 tuổi, ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, Đồng Xuân) phải chống chọi với căn bệnh suy thận mãn 5 năm nay và cuộc sống ngày càng khó khăn hơn khi hai con gái sinh đôi của anh bước vào lớp 1. Anh tâm sự: Tôi cưới vợ năm 2005, sống bằng nghề nông, làm rẫy, cuộc sống hạnh phúc khi vợ tôi sinh cặp con gái đầu lòng. Vợ tôi ở nhà chăm sóc các con, mọi việc đồng áng, ruộng rẫy tôi lo hết… Tôi khỏe lắm. Vậy mà mới có một năm, ngày hai con gái tròn một tuổi, tôi phát hiện da dẻ của mình ngày một xanh xám, cơ thể luôn mệt mỏi, tay chân cứ rã rời, tiểu buốt. Bác sĩ cho biết tôi bị suy thận mãn… Tôi nghĩ thế là hết. 5 năm nay, tôi vào bệnh viện để chạy thận nhân tạo, mỗi tuần ba lần. Từ ngày tôi bị bệnh, kinh tế gia đình suy giảm, Nhà nước ưu ái cấp cho cái giấy hộ nghèo, nên chi phí ở viện cũng đỡ. Thế nhưng, mỗi lần nhớ con phải về thăm bằng xe buýt thôi cũng rất tốn kém. Vả lại phải truyền máu, rồi truyền đạm định kỳ nên khó càng khó hơn. “Năm học này, hai con gái cùng vào lớp 1, nhưng từ quyển sách, tập vở cũng không sắm nổi cho các cháu, tôi cảm thấy mình bất lực và tủi thân lắm”, anh Phúc buồn rầu nói.
Đến phòng chạy thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều trường hợp rất thương tâm. Họ đều từ những miền quê xa xôi cách trở tàu xe nên đều phải nằm lại bệnh viện. Họ lấy hành lang làm chỗ ngã lưng mỗi khi mệt mỏi, đêm đến. Có người, từ chỗ giàu có nhưng do chữa trị bệnh trong thời gian dài nên gia đình đi đến khánh kiệt. Cũng có trường hợp, người bệnh vì quá nghèo không có tiền để chạy thận đủ số lần quy định trong tuần nên phải sớm từ giã cõi đời. Có nhiều người ở độ tuổi mười tám đôi mươi đang tràn trề nhựa sống, nhưng khi mắc bệnh, cơ thể xanh xám như tàu lá, đó là các em Trần Đức Tú (xã Sông Hinh, Sông Hinh), em Lê Minh Tuấn (xã Hòa Định Đông, Phú Hòa) hay em Hờ Lưng (xã Suối Bạc, Sơn Hòa)…
Thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn của những bệnh nhân viêm thận mãn, các nhà hảo tâm trên địa bàn TP Tuy Hòa đồng hành cùng với Báo Phú Yên và tập thể chị em làm việc ở Bếp ăn Từ thiện Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã đóng góp quỹ “cấp cứu” gần 50 triệu đồng, ủng hộ định kỳ cho các bệnh nhân khó khăn cấp cứu đột xuất, bệnh nhân chạy thận với số tiền từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng/người. Đồng thời tặng cho mỗi bệnh nhân chạy thận một chiếc gường xếp để họ nghỉ lưng. Em Hờ Lưng (xã Suối Bạc, Sơn Hòa) nói: “Các bác sĩ ở bệnh viện rất tốt, các mẹ ở Bếp ăn Từ thiện cho ăn cơm hàng ngày, rồi cho sữa, cho tiền mua máu, mua đạm… Lâu lâu có nhà từ thiện đến cho tiền, em để dành để đi xe về thăm nhà, chứ đi nhặt lon trong bệnh viện bán cũng không được bao nhiêu. Được sống trong sự thương mến của nhiều người, em thấy cuộc đời này còn có ý nghĩa và đáng quý nhiều lắm, cô à”.
Bà Nguyễn Thị Xuân làm việc tại Bếp ăn Từ thiện thổ lộ: “Chúng tôi nguyện sẽ tích cực đóng góp, vận động, làm chiếc cầu nối, nối những tấm lòng nhân ái bao dung, sẻ chia đến với những mảnh đời bất hạnh và khi cho đi là ta nhận được nhiều hơn...”.
Chia tay những người chạy thận nhân tạo khó khăn ở bệnh viện, chúng tôi cứ nhớ mãi lời chia sẻ chân thành của Bếp trưởng Bếp ăn Từ thiện, Võ Thị Minh Trang: Dù bệnh đau triền miên, nếu biết chủ động trong cuộc sống, biết sống yêu thương, trân trọng, có trách nhiệm với bản thân, với những người quanh mình thì cuộc sống sẽ tốt đẹp và đáng quý.
KIM LIÊN