Tôi là một người dân ở xã An Mỹ, huyện Tuy An. Hưởng ứng chính sách của Đảng, Nhà nước, tôi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nói thật lòng là cũng để đề phòng bệnh tật cho mình lỡ tới buổi xui rủi không mong chờ thì có nơi để yên tâm. Với thu nhập của người dân nông thôn, nhất là tuổi già để có tiền mua bảo hiểm rất khó, nguồn thu nhập chính là từ những khoản chắt chiu dành dụm tiền quà do con cái hỗ trợ mà có.
Thế nhưng khi tham gia mua bảo hiểm rồi mới thấy những điều “hành dân” mà trên lý thuyết không hề có và cũng không cho phép tồn tại. Những quy định thủ tục quá nhiêu khê; những con người thực thi nhiệm vụ quá quan liêu, cửa quyền chưa vì dân mà phục vụ. Có cảm giác như cán bộ bảo hiểm làm công việc là để ban ơn.
Tôi xin kể ra những điều thực tế để nói rằng vì sao bảo hiểm y tế tự nguyện còn nhiêu khê, cán bộ ngành bảo hiểm chưa làm hết trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Ở nông thôn, muốn mua bảo hiểm tự nguyện phải lên xã gặp cán bộ phụ trách công tác này. Đóng tiền theo quy định rồi phải chờ một thời gian (lâu hay mau thì tùy thuộc vào quan hệ giữa người mua với anh cán bộ trên, cũng có khi phụ thuộc vào sự nhiệt tình trách nhiệm của anh cán bộ nọ). Bởi sau đó người đăng ký mua đầu tiên phải chờ anh cán bộ này gom cho được một số người kha khá rồi kết hợp công tác khác đi ra huyện một thể đỡ tốn công, xăng xe... Những người đăng ký muộn thì mừng rồi, còn những người đăng ký sớm, chờ cái giấy bảo hiểm để được khám bệnh mới dài làm sao!
Thế rồi tới đoạn nhận thẻ rồi phải sau một tháng mới có giá trị sử dụng để tránh trường hợp người dân lợi dụng bảo hiểm thấy có bệnh, chuẩn bị điều trị đến nơi rồi mới mua bảo hiểm. Điều này với các loại hình bảo hiểm tư nhân thì có lý vì họ kinh doanh đồng tiền, nhưng với chính sách bảo hiểm của Nhà nước thì điều này cũng còn khắt khe, vì chỉ có người khó khăn mới trông chờ vào bảo hiểm xã hội.
Thái độ làm việc của cán bộ bảo hiểm thì “khó đăm đăm”. Người dân ít biết nên ít hỏi, nhưng cán bộ biết thì không nói, không giải thích một cách cặn kẽ, mà chọn “phương án” trả lời nhát gừng, đến khi dân thắc mắc thêm hay làm sai điều gì đó thì lại gắt gỏng, hét hô theo kiểu kẻ cả ban ơn, dù người đứng trước mặt đáng tuổi cha, chú, ông bà!
Hôm rồi, tôi nhận giấy bảo hiểm và đi khám bệnh. Vào bệnh viện, cô tiếp nhận giấy “cảnh cáo”: Lần này thông cảm, lần sau thì không được nhé! Lý do nét chữ in mờ. Kỳ thực chữ trên giấy mờ đâu phải do tôi (tôi ép nhựa giữ cẩn thận lắm), mà mờ từ khi cơ quan bảo hiểm phát ra. Lúc ấy tôi đã phân trần không nhận thì “ông bảo hiểm” bảo nếu muốn đổi phải chờ thêm tháng nữa! Thế là nhận. Vậy là muốn khám bệnh tôi phải đi ra tận huyện đổi thẻ mới chữ in rõ ràng hơn.
Từ nhà tôi tới huyện 20km, nếu đi xe thồ hết 100.000 đồng, tiết kiệm hơn đi xe thồ ra quốc lộ rồi chờ bắt xe buýt tốn ít hơn vài chục nghìn, nhưng mất cả ngày. Đến cơ quan bảo hiểm huyện, gặp cô cán bộ văn phòng sau khi tiếp nhận in thẻ mới và hẹn 5 ngày sau ra lấy. Hỏi thêm một câu: “Cô giúp cho lấy liền vì nhà xa, già cả đi lại khó khăn”, đang nói chuyện huyên thuyên với đồng nghiệp, quay lại gắt gỏng: “Đây là thủ tục, thì ai cũng như nhau, giờ không thể xử lý được”. Phải về nghĩa là tốn thêm 100.000 đồng, và một ngày công, chừng ấy bằng nửa số tiền mua một suất bảo hiểm mới! Thủ tục đâu mà kỳ cục, chính mình làm sai (in thẻ mờ) lại bắt người khác chịu. Nếu mua món hàng giá trị 1.000 đồng ngoài chợ, khi người mua không hài lòng, người bán phải xin lỗi và vui vẻ đổi lại. Đàng này, dịch vụ công ích thì ngược lại!
Trường hợp như tôi nhiều lắm. Không ít người, do khi nhập dữ liệu cán bộ làm cẩu thả ghi sai tên thế là bao nhiêu thủ tục nhiêu khê bắt người mua bảo hiểm phải gánh lấy nếu muốn được sử dụng.
Người dân thấp cổ bé họng, rất mong có tiếng nói của báo, đài giúp cho để cán bộ bảo hiểm làm tốt hơn, mà thực ra chỉ mong làm tròn nhiệm vụ cho dân đỡ khổ. Nghe Đảng, Chính phủ đang phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, không biết các địa phương khác thì sao, chứ một số cán bộ bảo hiểm huyện Tuy An chưa thực hiện tốt. Mong thay!
TRẦN THỊ PHẨM
(xã An Mỹ, huyện Tuy An)