Thứ Ba, 26/11/2024 17:28 CH
Có thể thỏa thuận tính vào tiền lương các khoản BHXH?
Thứ Năm, 08/03/2012 07:30 SA

* Chị Đỗ Thị Mỹ Lệ (huyện Sơn Hòa) hỏi:

 

- Tôi ký hợp đồng lao động để thay thế kế toán công ty nghỉ thai sản. Công ty có đề nghị không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và trả số tiền này vào lương của tôi vì lý do công việc chỉ mang tính tạm thời. Vậy xin hỏi, nếu thực hiện theo phương án này có đúng luật Lao động không?

 

* Trả lời:

 

- Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung năm 2002: Loại hình BHXH bắt buộc được áp dụng đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ở những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng BHXH và người lao động được hưởng các chế độ trợ cấp BHXH ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất. Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng thì các khoản BHXH được tính vào tiền lương do người sử dụng lao động trả theo quy định của Chính phủ, để người lao động tham gia BHXH theo loại hình tự nguyện hoặc tự lo liệu về bảo hiểm. Khi hết hạn hợp đồng lao động mà người lao động tiếp tục làm việc hoặc giao kết hợp đồng lao động mới, thì áp dụng chế độ BHXH bắt buộc theo quy định trên.

 

Luật BHXH có quy định: Người lao động có trách nhiệm đóng BHXH (điểm a khoản 1 Điều 16); Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng tại đơn vị sử dụng từ 10 lao động trở lên còn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (khoản 3, khoản 4 Điều 2).

 

Trong thư chị chưa nêu rõ về thời hạn hợp đồng lao động. Do vậy, chúng tôi giả thiết hai trường hợp:

 

- Trường hợp thứ nhất, hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận trả khoản BHXH vào tiền lương để trả cho người lao động;

 

- Trường hợp thứ hai, đối với các loại hợp đồng lao động còn lại, việc người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc hoặc không tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đối với đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp) là trái pháp luật.

 

Căn cứ quy định tại Điều 23 Nghị định 86/2010/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH), thì người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị: 1- Phạt cảnh cáo; 2- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: 1- Buộc truy nộp số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt; 2- Buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

 

VĂN PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT

(LĐLĐ tỉnh)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek