Ngày 3/1/2012, Tòa soạn Báo Phú Yên có nhận đơn thư của bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Phú Hữu, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) nội dung như sau:
Năm 1948 và năm 1950 cha mẹ chồng tôi qua đời để lại hai con nhỏ là Lê Văn Còn (9 tuổi), Lê Văn Lại (7 tuổi) (là em chồng tôi) cho vợ chồng tôi nuôi dạy. Khi Lê Văn Còn trưởng thành, ngày 10/2/1961 ông Dương Ngọc Trung đến nhà gặp hai vợ chồng tôi xin ý kiến cho em Còn tham gia hoạt động cách mạng. Sau đó, ông Dương Ngọc Trung bí mật đến nhà giao nhiệm vụ cho Còn đi cơ sở nắm tình hình địch cung cấp cho tổ chức cách mạng. Ngày 12/2/1961, ông Dương Ngọc Trung tiếp tục đến nhà, phân công Còn đến bến Ông Tướng nhận truyền đơn biểu ngữ do ông Nguyễn Úc giao để rải đúng ngày bầu cử của địch. Sáng 13/3/1962, địch ập vào trói Còn và dẫn đến bắt ông Lê Văn Mịn. Hai người bị địch bắn chết tại Bến Củi (thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ). Ngay sau khi nhận được tin báo, gia đình tôi cùng gia đình các ông Bảy Nhược, Mười Nhược và Tá Nho đến nhận xác mang về chôn cất. Đến năm 1966, theo chủ trương của Nhà nước, gia đình tôi có làm hồ sơ khai xin công nhận liệt sĩ cho Lê Văn Còn gửi đến UBND xã Hòa Thịnh, Phòng Thương binh - Xã hội huyện Tây Hòa nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết.
Còn trường hợp Lê Văn Lại cũng tham gia lực lượng vũ trang Hòa Thịnh, do ông Trần Kim Thanh - Xã đội trưởng đã tổ chức phân công Lê Văn Lại về thôn Phú Hữu, xã Hòa Thịnh phối hợp với Đặng Kim Hùng nắm tình hình địch báo cáo lại cho tổ chức cách mạng. Đến ngày 17/7/1964, trên đường làm nhiệm vụ tới suối Trại thì bị địch phục kích bắn chết. Ông Thanh báo tin cho gia đình, chúng tôi đến thì thấy Lại nằm úp, trên bả vai có một viên đạn, tôi trở về nhờ ông Nguyễn Văn Sang và Nguyễn Cơ đến mang xác Lại về chôn tại thôn Phú Hữu, xã Hòa Thịnh. Tôi đã đứng khai hồ sơ xin đề nghị công nhận liệt sĩ cho Lê Văn Lại gửi đến UBND xã Hòa Thịnh, nhưng UBND xã Hòa Thịnh trả lời Lê Văn Lại bị bệnh sốt rét và chết tại nhà.
Vậy, tôi xin các cơ quan có chức năng trả lời giúp về vấn đề trên!
Báo Phú Yên đã làm việc với UBND xã Hòa Thịnh và có ý kiến phản hồi như sau (Công văn số 03/UBND ngày 30/01/2012):
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên về việc giao cho Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên phối hợp với Huyện ủy Tây Hòa chỉ đạo UBND xã Hòa Thịnh tiến hành thẩm tra xác minh lại toàn bộ nội dung có liên quan đến hồ sơ thủ tục xác nhận đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Lê Văn Còn và ông Lê Văn Lại (thôn Phú Hữu, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa).
Qua thời gian thẩm tra xác minh lại toàn bộ nội dung có liên quan đến hồ sơ xác nhận đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Lê Văn Còn và ông Lê Văn Lại. Ngày 25/8/2011, Hội đồng xét duyệt hồ sơ chính sách của UBND xã Hòa Thịnh đã tiến hành cuộc họp để xem xét lại hai trường hợp nêu trên. Qua ý kiến tham gia, phân tích của các thành viên dự hợp, Hội đồng đã có kết luận: Trường hợp của ông Lê Văn Còn là do địch bắt và bắn chết, lý do địch bắn chết là nghi ông Còn rải truyền đơn, ông Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên giao nhiệm vụ cho ông Dương Ngọc Trung và ông Trung đã giao nhiệm vụ cho ông Còn, khẳng định ông Còn có làm nhiệm vụ do tổ chức cách mạng giao.
Hội đồng xét duyệt thống nhất đề nghị cấp thẩm quyền công nhận liệt sĩ cho ông Lê Văn Còn. Ông Lê Văn Còn có vợ là Nguyễn Thị Dắt (đã tái giá), hiện đang ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa và có một con trai là Nguyễn Văn Danh (lấy họ mẹ) hiện đang sinh sống tại Long Khánh, Đồng Nai. Ông Lê Hiền là anh trai của ông Còn và ông Lại, còn bà Nguyễn Thị Thanh là chị dâu.
Thực hiện Công văn số 1384/Sở LĐ-TB-XH - NCC ngày 8/9/2011 của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên về việc lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. UBND xã Hòa Thịnh tiến hành hướng dẫn cho thân nhân (vợ hoặc con) lập thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Lê Văn Còn. Vì ông Danh ở xa nên ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Dắt lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Lê Văn Còn.
UBND xã Hòa Thịnh đã hướng dẫn cho người thân hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ trình cho Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên.
Trường hợp ông Lê Văn Lại, Hội đồng xét duyệt công nhận ông Lê Văn Lại có tham gia lực lượng vũ trang xã Hòa Thịnh, nhưng ông Lại bị bệnh và chết tại nhà đúng như bản khai thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ. Bản khai do bà Nguyễn Thị Thanh đứng khai ngày 3/6/1986, chứ không phải bị địch bắn hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cho tổ chức cách mạng như vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh khai trong hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ trước đây. Hội đồng xét duyệt không thống nhất công nhận liệt sĩ cho ông Lê Văn Lại vì không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị công nhận liệt sĩ.
PHÒNG BẠN ĐỌC