Ngày nay khi kinh tế xã hội phát triển, người cao tuổi có điều kiện sống vui, sống khỏe, sống có ích. Tất nhiên do quy luật “Sinh lão, bệnh tử” có rất nhiều người cao tuổi đau ốm triền miên, con cháu phải chia nhau nuôi dưỡng hoặc thuê người chăm sóc. Đây là nỗi lo của con cháu và toàn xã hội đối với người cao tuổi.
Cô đơn tuổi xế chiều - Ảnh: T.THÀNH
Đất nước thời đổi mới, người cao tuổi (NCT) mừng vui trước sự đổi thay của quê hương đất nước, con cháu học hành thành đạt.
Nhiều gia đình đã có nhà cao cửa rộng, với đầy đủ mọi tiện nghi cho cuộc sống. Đó là niềm vui, niềm phấn khởi tự hào với tất cả mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Nhưng đối với bậc cao niên là người vui mừng nhất. Mừng là thế nhưng lo cũng không phải ít. Con cháu học hành tấn tới, xây dựng tổ ấm gia đình ở thành phố, mỗi năm chỉ về thăm cha mẹ được một vài lần. Nhiều gia đình đông con, nhiều cháu nhưng họ đi làm xa, mãi lo làm ăn buôn bán, người có con đi lao động nước ngoài... cũng không có điều kiện nuôi dưỡng cha mẹ già. Vì thế, các cụ trở thành người cô đơn ở tuổi xế chiều.
Cụ TV (82 tuổi ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) tâm sự: “Nuôi con, mong cho chúng khôn lớn, trưởng thành, chúng lập thân, lập nghiệp, hạnh phúc là mừng lắm rồi” Vì thế, các bậc ông bà, cha mẹ thiếu người thường xuyên nuôi dưỡng là điều khó tránh. Biết vậy, nhưng mỗi khi phải chứng kiến cảnh người cao tuổi vì không có người nuôi dưỡng mà phải sống cô đơn, chết không ai biết, thì nỗi lo lại cứ canh cánh trong lòng. Hai cụ Tường – Linh (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) cùng ở độ tuổi trên 80 cụ có bốn người con, hai con trai thì làm thợ ở TP Hồ Chí Minh, rồi có vợ con thỉnh thoảng hè hay tết mới về, còn hai gái lấy chồng tận xứ biển, cuộc sống nghèo khó nên cũng ít về thăm cha mẹ được. Nhiều gia đình gặp phải tình trạng cha mẹ đau ốm triền miên các con phải chia phiên nhau nuôi dưỡng, mâu thuẫn xảy ra, làm sứt mẻ tình cảm anh em ruột thịt. Có nhiều gia đình thuê người chăm sóc các cụ cho tròn trách nhiệm nhưng làm sao có thể làm cho các cụ vui bằng con cháu. Ở Phú Yên có Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội ở tại xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), nhưng xã hội cũng chỉ đủ sức chăm sóc những người cao tuổi không còn người thân, không nơi nương tựa.
Mặt khác, rất nhiều con cháu có nguyện vọng tha thiết được đón ông bà, cha mẹ cùng ở với mình để tiện phụng dưỡng nhưng các cụ từ chối vì cả đời gắn bó với mái nhà, mảnh đất quê. Con cháu rất khổ tâm tìm phương án tối ưu để chăm sóc. Dù bận rộn đến đâu, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ bao giờ cũng là đạo lý, niềm vui, thể hiện niềm hiếu kính của thế hệ sau đối với những bậc sinh thành.
MAI TIẾN THÀNH