Kính thầy là phong tục có tính nhân văn. Dân gian có câu: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, đó là nét đẹp truyền thống trong tâm hồn mỗi người. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được vun trồng từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam đã thấm sâu vào tâm thức của mỗi con người. Chính vì vậy mà ông cha ta đã đề cao vai trò người thầy theo vị trí “quân, sư, phụ”, thầy đứng sau vua, trước cha vì sự nghiệp khai sáng con người.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Tá, thăm hỏi, mừng thọ Nhà giáo ưu tú Nguyễn Chu (Nam Đà) - Ảnh: M.HUY
Trong đời, ai cũng có lúc nhớ đến một vài thầy cô giáo, những kỷ niệm đẹp về tình thầy trò như khi nhận được thư, điện thoại của học trò cũ sau 20, 30, 40… 50 năm. Ai đã từng là học trò trước Cách mạng Tháng Tám đều thuộc lòng bài tập đọc “Học trò biết ơn thầy” trong sách Quốc văn kể: Ông Carnot xưa là một ông quan to nước Pháp, nhân lúc rảnh việc về chơi quê nhà. Khi đi ngang qua lớp học trường làng, trông thấy thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang dạy học. Ông ghé vào thăm thầy và đứng tôn nghiêm trước mặt thầy, chào hỏi lễ phép mà nói rằng: “Em là Carnot đây, thầy còn nhớ em không?”. Rồi ông nhìn xuống lớp học khuyên bảo:
“Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy dạy bảo, ta mới có sự nghiệp ngày nay”.
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Trường Lương Văn Chánh (15/10/1946-15/10/2011) nay là Trường THPT chuyên duy nhất ở tỉnh Phú Yên, học trò cũ - đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Kháng (TP Nha Trang) đã đón một thầy giáo về TP Tuy Hòa dự lễ và đón hai cô giáo Ngô Thị Nga và Tuyết Trinh gần 90 tuổi vào TP Nha Trang tham quan, sau đó tiễn hai cô về TP Hồ Chí Minh. Lễ mừng thượng thọ 90 tuổi của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Chu (Nam Đà) ngày 10/1/2012 tại nhà riêng ở thôn Mỹ Lệ (xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa), các thế hệ học trò quấn quýt bên thầy, ân cần thăm hỏi, chúc sức khỏe, mừng thọ thầy. Tại buổi mừng thọ, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá đã chúc nhà giáo sống lâu, sống khỏe, sống vui tươi cùng con cháu và nhấn mạnh: “Nhà giáo ưu tú Nam Đà đã góp phần to lớn cho nền giáo dục của tỉnh nhà, sống mẫu mực, khiêm nhường, giản dị, là tấm gương sáng cho các lớp học trò, con cháu học tập và làm theo”. Các thầy cô giáo không mong chờ sự đền đáp, nhưng những tình cảm vô tư, trong sáng của học trò là quà tặng vô giá của cuộc sống, một đời sống tinh thần tuyệt vời đối với thầy cô giáo.
Quan hệ thầy cũ - trò cũ là mối quan hệ trong sáng, thiêng liêng, như báu vật của đời người. Mối quan hệ thầy trò hiện nay có những biến đổi so với trước kia nhưng không mất đi bản chất tốt đẹp từ bao đời. Trò kính thầy, thầy yêu thương trò, đạo đức nhân cách của người thầy luôn ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của trò. Dù hoàn cảnh và thời gian có thay đổi thì tình thầy trò vẫn giữ được những giá trị thiêng liêng nhất định của nó trong cuộc sống. Trong dòng chảy của thời gian, dù đời sống xã hội có phát triển bao nhiêu đi nữa tình thầy trò vẫn còn mãi và nghề thầy giáo vẫn là nghề cao quý. Khi tết đến thì “Mùng 3 tết thầy” vẫn luôn được các thế hệ học trò nhắc nhớ.
NGUYỄN TIẾN THÀNH