Quản lý thị trường có chức năng quan trọng chống hàng giả, hàng lậu; chống gian lận thương mại theo quy định… góp phần bình ổn thị trường, giúp nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc kiểm tra, phát hiện và xử phạt các hành vi gian dối thương mại là việc làm thường xuyên nhằm bảo đảm thị trường minh bạch, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và người tiêu dùng.
Ảnh minh họa: Internet
Tuy nhiên, đặt ra chỉ tiêu thu ngân sách (nguồn xử phạt) cho cơ quan quản lý thị trường là điều không nên. Bởi xử phạt là vấn đề bất đắc dĩ, xã hội và người dân mong muốn qua kiểm tra có càng ít các vụ vi phạm đến mức phải xử phạt thì xã hội càng lành mạnh và phát triển bền vững.
Đặt ra quy định xử phạt để chế tài là rất cần thiết để giữ vững kỷ cương phép nước, nhưng giao chỉ tiêu nộp ngân sách (qua xử phạt) cho cơ quan chức năng là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Bởi lẽ nếu không đạt chỉ tiêu các đội ngũ quản lý thị trường không còn cách nào khác là tăng cường phạt, bắt nộp phạt cả các hành vi chỉ cần ở mức nhắc nhở.
Mong cơ quan có thẩm quyền cân nhắc thấu đáo chủ trương giao chỉ tiêu xử phạt để không gây sức ép thu phạt cho cơ quan quản lý thị trường và cộng đồng. Không ai mong muốn có vi phạm nhưng vi phạm đến mức nào thì xử lý đúng người, đúng việc, đúng mức vi phạm gây ra. Biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa vẫn là biện pháp cơ bản của một xã hội văn minh.
ĐIỀN TRẠCH
(Phường 7, TP Tuy Hòa)