Một số ngư dân ở khu phố 6, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) phản ánh về việc tàu thuyền cũ khi thay máy mới hoặc sửa chữa vỏ tàu, muốn làm thủ tục đăng kiểm, ngoài các loại biểu mẫu giấy tờ đã hoàn tất có sự xác nhận của chính quyền địa phương thì cơ quan chức năng còn yêu cầu bổ sung bản thiết kế tàu vào hồ sơ xin đăng ký. Ngoài các khoản tiền phải nộp, như thuế trước bạ, phí đăng kiểm lại phải chịu thêm một khoản tiền thiết kế tàu thuyền (thiết kế hoàn công) từ 2,2-2,5 triệu đồng tùy theo công suất của tàu. Ngư dân chúng tôi muốn biết, có quy định này không, cơ quan nào ban hành?
Ngày 28/11/2007, Bộ NN-PTNT có Quyết định số 96 về việc ban hành Quy chế đăng kiểm tàu cá. Theo đó, tại điều 13 của quy chế này đã quy định: Hồ sơ thiết kế tàu cá được quy định tại Tiêu chuẩu Việt Nam TCVN 7111:2002, TCVN 6718:2000. Bắt buộc áp dụng các hồ sơ thiết kế tàu cá trong đóng mới tàu cá quy định như sau: Các tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250CV trở lên, các tàu cá hoạt động ở vùng biển hạn chế cấp I hoặc không hạn chế, khi đóng mới bắt buộc phải có thiết kế kỹ thuật được cơ quan đăng kiểm phê duyệt; Các tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 250CV hoạt động tại vùng biển hạn chế cấp II, được miễn thiết kế kỹ thuật nếu đóng theo mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền của địa phương thẩm định và được cơ quan đăng kiểm tàu cá phê duyệt theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7111:2002, TCVN 6718:2000. Nếu tàu cá được đóng không có thay đổi theo mẫu đã được duyệt, thì được sử dụng hồ sơ mẫu làm hồ sơ kỹ thuật tàu. Nếu đóng sai khác với mẫu được duyệt, yêu cầu phải có hồ sơ hoàn công; Các tàu cá khác thuộc diện bắt buộc phải đăng kiểm, cho phép được đóng theo mẫu truyền thống của địa phương, song chủ tàu phải có bản thuyết minh về tính năng, bố trí chung trang thiết bị của tàu trình cơ quan đăng kiểm tàu cá trước khi xuất xưởng.
Ảnh minh họa: - Nguồn: internet
Ngày 9/7/2009, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã có công văn số 685/KTBVNL-QLTC hướng dẫn thủ tục đăng kiểm đối với tàu cá hoán cải có công suất máy từ 90CV trở lên. Trong đó, tàu cá hoán cải gồm các loại hình sau: Hoán cải thay máy mới có công suất máy, trọng lượng máy và kích thước máy khác với công suất trọng lượng và kích thước của máy hiện tàu đang sử dụng; Hoán cải phần vỏ tàu làm thay đổi kích thước cơ bản của tàu. Cả hai hình thức hoán cải trên đều làm thay đổi tính năng của tàu (tốc độ tàu, sức bền thân tàu, tính nổi, tính ổn định của tàu…). Như vậy khi chủ tàu có ý định hoán cải tàu bắt buộc phải có tính toán thiết kế hoán cải trước khi thực hiện việc hoán cải.
Trường hợp tàu cá đã lỡ hoán cải mà chưa có thiết kế hoán cải thì chủ tàu phải mời cơ quan thiết kế thực hiện như sau: Loại hoán cải thay máy có công suất lớn hơn cho tàu, chủ tàu phải mời cơ quan thiết kế làm thiết kế hoàn công phần lắp đặt hệ động lực để xác định buồng máy, đà máy của tàu cũ được lắp đặt máy mới đảm bảo hoạt động an toàn không? Vòm đuôi của tàu cũ có lắp đặt được chân vịt của máy mới có đường kính chân vịt lớn hơn đảm bảo hoạt động không? Tính toán lại tốc độ của tàu; Loại hoán cải vỏ tàu, kéo dài chiều dài thân tàu hoặc nâng cao chiều cao mạn tàu làm thay đổi kích thước cơ bản của tàu. Đây là loại hoán cải thay đổi lại tuyến hình của tàu, tàu hoán cải hoàn toàn khác với tàu cũ. Cơ quan thiết kế phải thực hiện việc tính toán thiết kế kiểm nghiệm như thiết kế đóng mới. Cả hai loại thiết kế trên phải được cơ quan đăng kiểm xét duyệt trước khi làm thủ tục đăng kiểm cho tàu hoạt động.
Việc thiết kế hoàn công và giá cả là sự thỏa thuận giữa chủ tàu thuyền khi ký hợp đồng với công ty sửa chữa tàu thuyền để triển khai thiết kế. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên không có thẩm quyền thiết kế hoàn công…
Nguyễn Hữu Vinh
Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác
và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên