Thời gian qua, trên các báo, đài liên tục đăng tải những thông tin về nạn bạo lực gia đình từ nông thôn đến thành thị: nhẹ thì vợ chồng kình cãi, xung đột rồi dẫn nhau ra tòa ly hôn, nặng thì xảy ra án mạng do chồng đốt vợ, chồng treo vợ tra tấn như thời trung cổ…
Điều đáng nói, đối tượng của nạn bạo lực gia đình không chỉ là người phụ nữ mà đã được mở rộng ra cả trẻ em và người già. Đây đều là những người yếu đuối về thể chất, nhưng lại nhạy cảm về tinh thần. Do đó, các nạn nhân này dễ bị trầm cảm, suy nhược tinh thần, thậm chí chán nản dẫn đến việc tự tử.
Hiện nay, bên cạnh bạo lực chân tay để lại thương tích cho nạn nhân cũng đã xuất hiện một hình thức bạo lực khác dần mang tính phổ biến, đó là: bạo lực “bằng mồm”, bạo lực tinh thần. Các hình thức này tuy không gây đau đớn thể xác nhưng lại “có tác dụng” tra tấn tinh thần nạn nhân rất khủng khiếp. Có lần, qua tìm hiểu, tôi biết một anh chồng kiểm soát vợ bằng cách nghiêm cấm vợ không được nói chuyện với “trai lạ” đồng thời còn cấm luôn cả việc giao lưu với bạn bè, người thân. Chỉ cần vợ đi làm về muộn một chút là anh bắt phải giải thích, nếu không “có lý do chính đáng” thì anh sẵn sàng tuôn ra những ngôn ngữ chợ búa để mạt sát vợ. Dù chị phạm lỗi nặng đến đâu anh cũng không bao giờ đánh đập. Nhưng cứ đợi về đêm khi đi ngủ, anh lại rót vào tai chị những lời lẽ thô tục và liên tục lập đi lập lại nhiều lần làm cho thần kinh chị luôn nặng nề như muốn phát điên. Con cái có lỗi, anh cũng bắt cả nhà ngồi nghe anh thuyết giáo hàng giờ đồng hồ. Không chỉ vậy, đôi khi anh còn mời cả bố, mẹ vợ đến “nghe giáo huấn”. Mặc dù vậy chị vẫn cắn răng chịu đựng, không dám làm điều gì trái ý anh.
Trên thực tế, khi có bạo lực thân thể hay tinh thần, thông thường nạn nhân rất ngại nhờ bạn bè, hàng xóm hoặc chính quyền can thiệp vì sợ gia đình mất thể diện, người đời cười chê. Đã đến lúc, các nạn nhân của nạn bạo lực gia đình cần phải dẹp bỏ suy nghĩ ấu trĩ trên bởi nếu làm ngơ, cam chịu những điều trái mắt trên thì nạn bạo lực gia đình sẽ càng diễn ra trầm trọng và sẽ ngày càng phổ biến. Do đó bên cạnh sự tự giác lên tiếng đấu tranh của những người trong cuộc, đề nghị cơ quan chức năng, Mặt trận, các đoàn thể xã hội tăng cường tuyên truyền sâu rộng Luật Phòng chống bạo lực gia đình trong cộng đồng. Đồng thời, giám sát tình trạng trên ngay từ cấp thôn, xã, phường, thị trấn và sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương can thiệp kịp thời một khi có phát sinh sự việc…
LÊ VÂN (phường 7, TP Tuy Hòa)