Hiện nay, người nghèo đã được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ 50% để mua thẻ BHYT.
Tuy nhiên khi đi khám chữa bệnh, người nghèo phải cùng chi trả 5%, người cận nghèo phải cùng chi trả đến 20%. Một cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội tỉnh cho biết: Người nghèo không có tiền mua thẻ BHYT nên Nhà nước mới cấp thẻ. Đã không có tiền mua thẻ thì nói gì đến chuyện cùng chi trả. Người cận nghèo còn khổ hơn, đã không có tiền còn phải cùng chi trả đến 20%, mức cùng chi trả cao nhất. Với những bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, chạy thận hay những bệnh lý có chi phí điều trị cao như bệnh tim, ung thư... ngay cả những bệnh nhân có kinh tế khá giả còn không chịu nổi, huống chi là người nghèo, cận nghèo.
Bệnh nhân P. ở huyện Đông Hòa, hiện đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, hai vợ chồng làm lụng cực khổ, dành dụm được gần 50 triệu đồng, từ khi ông P, chạy thận đến nay, chỉ một năm là tiêu hết số tiền tích lũy. Hai năm nay, được cấp thẻ BHYT nhưng phải cùng chi trả. Số tiền này toàn nhờ người trong gia đình, chòm xóm và các nhà hảo tâm giúp đỡ. Khi không có ai cho tiền, đành ôm bệnh chờ chết.
Đến bệnh viện, ngoài phần cùng chi trả, người nghèo, cận nghèo còn tốn kém hàng trăm chi phí khác: thuốc ngoài danh mục, cận lâm sàng kỹ thuật cao, chi phí đi lại, ăn uống... Nếu bệnh nhân may mắn được bệnh viện miễn giảm tiền điều trị, còn không thì đành ôm bệnh về nhà khi gia đình hết tiền trang trải. Có những bệnh như ung thư, tim, suy thận mãn... chi phí điều trị quá cao nên hầu như không một bệnh viện nào miễn giảm cho bệnh nhân. Đặc biệt, mấy năm gần đây, các bệnh viện đều thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP về tự chủ tài chính nên việc miễn giảm càng ít hơn.
Trong lần trả lời báo chí gần đay, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, quỹ BHYT kết dư khoảng 3.500 tỉ đồng. Trong khi đó, bệnh nhân nghèo, cận nghèo không có tiền chữa trị. Đề nghị các bộ, ban ngành Trung ương xem xét dùng quỹ kết dư này hỗ trợ bệnh nhân nghèo mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị cao. Đồng thời, nên điều chỉnh tỉ lệ cùng chi trả cho bệnh nhân cận nghèo. Ngoài ra, tại các tỉnh, thành cũng cần trích một phần ngân sách hoặc vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hình thành một nguồn quỹ để hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.
BÙI ANH ĐỨC
(TP Tuy Hòa)