Hỏi: Được biết trẻ em cần được tắm nắng để chống còi xương do ánh nắng giúp tổng hợp vitamin D, nhưng nếu tắm nắng nhiều liệu có bị thừa vitamin D không, nếu thừa thì có hại gì? Vitamin D có được cung cấp qua đường ăn uống không?
Huỳnh Thị Hoa (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa)
Trả lời: Vitamin D tồn tại dưới 2 dạng: cholecalciferol (vitamin D3) từ nguồn động vật và ergocalciferol (vitamin D2) do nhân tạo tăng cường vào thực phẩm. Cả hai dạng đều có thể được hình thành khi động vật hoặc thực vật được mặt trời chiếu sáng. Thuật ngữ vitamin D hoặc calciferol được sử dụng chung cho cả vitamin D2, D3 và cả những dạng phối hợp của hai loại trên.
Vai trò chính của vitamin D là tăng tính hấp thụ calci và phospho ở ruột non. Nó cũng có tác dụng trực tiếp với quá trình cốt hóa. Như vậy, vitamin D là yếu tố chống còi xương và kích thích sự tăng trưởng của cơ thể.
Tổng hợp: Khi da được tiếp xúc với tia cực tím (ánh sáng mặt trời) thì dehydrocholesterol ở trong da sẽ chuyển đổi thành provitamin D3, sau đó thành vitamin D3 trong vòng 2-3 ngày. Ở trẻ bú mẹ, thời gian 2 giờ/tuần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời là cần thiết để duy trì nồng độ vitamin D bình thường.
Nhu cầu: Khuyến nghị là 200 UI cho người trưởng thành, phụ nữ có thai và cho con bú. Khi uống sữa hoặc thức ăn có tăng cường vitamin D thì không cần thiết phải bổ sung vitamin D. Sữa mẹ có lượng vitamin D thấp, vì vậy trẻ bú sữa mẹ cần được tắm nắng đều đặn (10-15 phút/ngày) hoặc nhận 200-300 UI/ngày liều bổ sung vitamin D.
Thực phẩm cung cấp vitamin D: chủ yếu là trứng, sữa, bơ, gan cá. Khẩu phần ăn đủ chất dinh dưỡng cũng chỉ chứa khoảng 125 UI vitamin D/ngày, thấp hơn so với nhu cầu khuyến cáo, do đó phải trông cậy vào thực phẩm có tăng cường vitamin D hoặc tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời.
Thiếu vitamin D chủ yếu gây bệnh còi xương, phổ biến ở lứa tuổi từ 2-4. Bệnh gặp ở những trẻ suy dinh dưỡng, ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Biểu hiện đầu tiên là ra nhiều mồ hôi, ngủ hay giật mình, răng mọc chậm, răng sâu; trẻ chậm lớn, chậm biết đi. Hình ảnh rõ nhất là chân bị biến dạng hình chữ O, chữ X; lồng ngực biến dạng nhô ra phía trước gọi là “ngực gà”.
Thừa vitamin D: Hậu quả thừa có thể gặp ở trẻ tiêu thụ vitamin D trên 4.000 UI/ngày, hoặc người trưởng thành dùng trên 25.000 UI/ngày liên tục trong 1-4 tháng. Triệu chứng thường gặp là buồn nôn, giảm trọng lượng và chậm phát triển thể lực; tình trạng kéo dài có thể gây vôi hóa các mô như tim, phổi, thận. Biểu hiện đặc biệt là ở kết mạc mắt có những nốt trắng nhỏ xếp thành hàng ngang hay cong queo đổ vào rìa tròng đen.
BS ĐOÀN VĂN HẢI