Gia đình là tế bào của xã hội”. Muốn xã hội lành mạnh thì các tế bào của nó phải lành mạnh. Do đó, xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) là trực tiếp xây dựng xã hội lành mạnh. Và như thế, xây dựng GĐVH là một bộ phận của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Hiện nay, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nhiều nơi làm khá tốt. Nguyên nhân của sự thành công đó có nhiều, nhưng trong đó có việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Xây dựng GĐVH là một bộ phận của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cho nên cũng phải vận dụng những kinh nghiệm, những thành tựu của xã hội hóa công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Xã hội hóa công tác xây dựn GĐVH là làm sao để phong trào xây dựng GĐVH trở thành phong trào của toàn xã hội, của các ban, ngành, đoàn thể và của các tầng lớp nhân dân, chứ không phải là của riêng ngành Văn hóa.
Về kinh phí và vật chất cũng phải xã hội hóa. Phải huy động sự tài trợ kinh phí của các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, các gia đình có tâm huyết, thành lập các câu lạc bộ văn hóa mà họ ưa thích, các đội văn nghệ quần chúng ở xã, phường, thôn, buôn… Tất cả các sinh hoạt như thế góp phần làm lành mạnh đời sống tinh thần, ngăn ngừa các tiêu cực xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, giải trí của nhân dân ở nhiều vùng.
Xã hội hóa công tác xây dựng GĐVH là ngoài việc đầu tư có tính xúc tác về kinh phí theo sự phân bổ chung của Nhà nước, cán bộ văn hóa cần gợi ý, hướng dẫn, vận động và động viên nhân dân đóng góp thêm về kinh phí, tìm ra nhiều hình thức hoạt động phong phú như giúp nhau xây dựng GĐVH, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, xóa đói giảm nghèo, nuôi dạy con cái, nhắc nhở nhau thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các quy định của khu phố, thôn, buôn, xã, phường… Những nơi có điều kiện còn có thể tổ chức tham gia thưởng thức và sáng tạo văn hóa nghệ thuật trong các câu lạc bộ văn hóa.
“Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”. Như vậy, văn hóa phải đến với mọi người, mọi nhà; nhưng ngược lại, mỗi con người, mỗi gia đình phải đem đến cho văn hóa sự phong phú của bản sắc văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc, đại chúng, thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.
TRẦN KHẮC LUYỆN