Đọc báo, xem ti vi, tôi thấy có rất nhiều cách làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó. Có người hiến cả gia tài hoặc dành toàn bộ số tiền phúng điếu để giúp đỡ những người yếu thế, khó khăn. Có người đi quyên góp, vận động những tấm lòng hảo tâm cùng tham gia làm từ thiện. Hay có người mở quán cơm “0 đồng”, quán cơm “hai ngàn”, quán phở “một ngàn”… để giúp đỡ người già, người tàn tật, lao động có thu nhập thấp.
Ở khu phố Long Châu, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân quê tôi, có ông T.T.H hiện đã 93 tuổi. Năm ông 73 tuổi, vợ ông 70 tuổi, các con tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà. Gia đình cũng không phải khá giả nhưng được sống vui, sống khỏe, con cái quan tâm chăm sóc khi về già nên ông rất vui. Tuy nhiên, ông luôn canh cánh trong lòng khi ở ngoài đời vẫn còn nhiều người khuyết tật, nghèo khó, đói khổ. Vậy là ông âm thầm mở tài khoản riêng. Ngày tết, sinh nhật hay khi nào có tiền con cháu lì xì thì ông gửi vô đó.
Sau 20 năm, số tiền trong tài khoản của ông được hơn 100 triệu đồng. Biết mình tuổi cao, sức yếu, rồi cũng có ngày về với ông bà, tổ tiên nên ông đã viết chúc thư để lại cho các con. Riêng số tiền hơn 100 triệu đồng dành dụm, tích lũy được, ông chia ra thành nhiều phần để các con thực hiện sau khi ông qua đời. Trong đó, ông chỉ dành gần phân nửa để lo hậu sự cho vợ chồng ông và tu tảo lại phần mộ của các cụ thân sinh. Hơn phân nửa còn lại, ông dành cho hoạt động xã hội - nhân đạo - từ thiện, như: giúp đỡ hộ nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn; biếu chi hội người cao tuổi khu phố để làm quỹ; tặng 2 bếp ăn từ thiện trên địa bàn; tặng quà cho thanh niên của khu phố thực hiện nghĩa vụ quân sự… Tâm nguyện của ông được các con, cháu đồng tình ủng hộ.
Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, cần lan tỏa.
LÊ NGỌC
(thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân)