Qua đọc Báo Phú Yên, tôi được biết Quốc hội và tỉnh đang tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Là một cử tri, công dân của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tôi thấy rằng, đây là việc làm rất cần thiết trong việc xây dựng pháp luật, đáp ứng đòi hỏi trong quá trình đổi mới, đi lên của đất nước, đặc biệt là luật liên quan đến vấn đề đất đai.
So với Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993 hay Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 đã tiếp cận và thể hiện khá đầy đủ vấn đề tài chính đất đai theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với quá trình thực hiện CNH-HĐH đất nước. Luật đã bổ sung một số nội dung về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất (SDĐ), tiền thuê đất; quy định về nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích SDĐ; bổ sung việc miễn, giảm tiền SDĐ, tiền thuê đất đối với trường hợp thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với nước, gia đình thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo…
Sau gần một thập niên thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng phát sinh nhiều hạn chế cần sửa đổi, bổ sung. Nổi cộm là các vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đất, quy hoạch SDĐ, kế hoạch SDĐ, giao đất, cho thuê đất, đấu thầu dự án có SDĐ, chuyển mục đích SDĐ…; chưa đảm bảo quyền lợi của người SDĐ cũng như quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội; chưa có sự thống nhất giữa Luật Đất đai với Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng… gây ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án tại các địa phương (như việc chuyển đổi mục đích từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án phức tạp, kéo dài khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ). Một số cá nhân, tổ chức lợi dụng sự bất cập, kẽ hở của luật để trục lợi, gây lãng phí tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Tình trạng SDĐ sai mục đích, đất không được sử dụng, bỏ hoang cho cỏ dại, biến thành bãi rác… còn phổ biến nhưng thiếu các chế tài xử lý.
Theo tôi, trong luật sửa đổi lần này, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trên. Đơn cử, về lập quy hoạch phân vùng SDĐ, chỉ nên lập quy hoạch đối với cấp tỉnh, bỏ quy hoạch SDĐ cấp huyện, cấp xã. Các địa phương chỉ căn cứ vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới xây dựng kế hoạch SDĐ hằng năm. Trong giao đất, cho thuê đất nên thực hiện theo hình thức cho thuê trả tiền hằng năm sẽ phù hợp với tình hình, mục đích SDĐ, đảm bảo nguồn thu ổn định và tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước. Đề nghị bổ sung quy định về thuê đất mặt nước để làm dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản; chuyển mục đích đất trồng lúa sang đất trồng cây hằng năm… Giao UBND cấp tỉnh quy định diện tích hộ gia đình, cá nhân được phép chuyển mục đích SDĐ xây dựng nhà ở nhằm tránh tình trạng chuyển mục đích đất ở tràn lan để phân lô, bán nền. Đồng thời bổ sung các tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải có dự án đầu tư để hạn chế việc gom đất đầu cơ. Cũng cần hình thành trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, với tư cách là công dân, người dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất bảo đảm nguyên tắc: Dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Nhân dân và doanh nghiệp.
Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, công tác giải tỏa mặt bằng, đền bù và tái định cư, ở các địa phương gặp không ít khó khăn. Do đó, luật mới cần quy định cụ thể về tái định cư; giá bồi thường đất phải phù hợp, sát với thực tế, tạo sự đồng thuận của người dân, bảo đảm sau thu hồi đất, người dân có cuộc sống tốt hơn ở nơi tái định cư. Mọi thiệt hại phải quy về bồi thường thay vì hỗ trợ. Với những trường hợp người dân hiến đất để Nhà nước thực hiện các dự án, công trình công cộng, dân sinh cần có chính sách ưu tiên về đào tạo nghề, tạo việc làm, tái tổ chức sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho họ; có nhiều phương án để người dân lựa chọn, không ép buộc. Cùng với đó cũng cần cụ thể hóa các quy định ràng buộc về thời điểm thực hiện tái định cư, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể SDĐ với nhau.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác giải tỏa mặt bằng, đền bù và tái định cư ở các địa phương gặp không ít khó khăn. Do đó, luật mới cần quy định cụ thể về tái định cư; giá bồi thường đất phải phù hợp, sát với thực tế, tạo sự đồng thuận của người dân, bảo đảm sau thu hồi đất, người dân có cuộc sống tốt hơn ở nơi tái định cư. |
LÊ MINH HIỂU
(xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa)