Ở nước ta hiện nay có hai hình thức mai táng phổ biến là thổ táng và hỏa táng. Mỗi gia đình có cách mai táng khác nhau, phù hợp với văn hóa dân tộc, vùng miền, công việc, kinh tế.
Việc mai táng một phần vẫn làm theo các thủ tục, hình thức, nghi lễ ông cha để lại, theo cách “xưa bày nay làm”; một phần du nhập cách làm của phương Tây, các nước bạn.
1. Thổ táng gồm có 2 phương thức, tùy theo dân tộc, vùng miền. Hình thức này có từ rất lâu đời. Người thân của người đã mất đặc biệt quan tâm về quan tài (áo quan) và xem đây là thứ quan trọng đối với người đã mất. Trong đó, phương thức thứ nhất là cho thi thể người quá cố vào quan tài rồi chôn cất xuống đất vĩnh viễn. Nghĩa là chỉ chôn cất một lần, không cải táng. Như người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, sau khi đủ thời gian và điều kiện làm lễ bỏ mả, họ chấm dứt quan hệ hoàn toàn với người đã khuất.
Phương thức thứ hai của thổ táng gọi là cải táng (có nơi còn gọi là hung táng). Nghĩa là sau khi chôn cất thi thể người quá cố một thời gian nhất định rồi làm nghi lễ đào huyệt lấy xương cốt đi chôn ở một nơi mới. Các nhà địa lý phong thủy giải thích rằng con người khi lâm chung do thường không biết trước nên ít ai có đủ thời gian chọn cho mình một cuộc đất tốt để đặt mộ phần. Vì thế, con cháu đành phải chôn cất tạm người qua đời, gọi là hung táng. Sau một thời gian (khoảng 3 năm), sau khi đã chọn được cuộc đất đẹp, hướng tốt sẽ cất bốc đến vị trí đó, cách chôn cất này gọi là cát táng.
2. Hỏa táng hay hỏa thiêu, là phương pháp xử lý thi thể bằng cách đốt cháy. Tùy theo mong muốn của gia đình mà sẽ nhận lại tro hoặc xương, hoặc cả hai.
Theo Phật giáo, việc hỏa táng có từ thời Đức Phật tại thế. Hiện nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Srilanka, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar… đều phổ biến việc hỏa táng. Phương pháp hỏa táng sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Người xưa hỏa táng bằng cách đưa thi thể người quá cố lên giàn, chất đầy củi khô để đốt. Còn hỏa táng theo phương pháp hiện đại, quan tài được đưa vào buồng hỏa táng, nhiệt độ sẽ được nâng lên dao động từ 1.200-1.4000C. Sau khoảng 2-2,5 tiếng, thi thể sẽ được đốt cháy bằng nhiệt, chỉ còn lại phần tro cốt. Tro cốt của người quá cố được cho vào hũ (sành sứ hoặc thủy tinh) đặt ở chùa để thờ cúng hoặc có thể đem rải trên núi, xuống sông, biển… cũng là một hình thức như cát táng.
Cũng theo Phật giáo, thổ táng hay hỏa táng cũng đều trả người đã khuất về cho đất, nước, lửa, gió. Người dân muốn thổ táng hay hỏa táng đều có ý nghĩa như nhau. Tuy nhiên, thổ táng chiếm nhiều diện tích đất (5-10m2), trong khi quá trình phát triển đô thị, dân số ngày một gia tăng, quỹ đất dành để mai táng người quá cố ngày càng thu hẹp. Còn hỏa táng là một hình thức mai táng văn minh, vừa tiết kiệm quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí.
Việc sử dụng hình thức hỏa táng không còn xa lạ với nhiều nước trên thế giới cũng như các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Ở hai tỉnh lân cận là Khánh Hòa và Bình Định từ lâu cũng đã có dịch vụ hỏa táng. Hầu hết các lò hỏa táng đều được nhập khẩu từ nước ngoài, với công nghệ cao, tự động, vận hành nhanh chóng và chính xác. Riêng với Phú Yên, phương thức hỏa táng vẫn còn xa lạ trong suy nghĩ của nhiều người mặc dù tại TP Tuy Hòa đã có nhà hỏa táng.
Nhà hỏa táng của TP Tuy Hòa đặt tại thôn Thọ Vức, xã Hòa Kiến vừa hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động có thu phí từ đầu năm nay. Giá dịch vụ hỏa táng chỉ từ 4,5-5,5 triệu đồng/trường hợp (chưa bao gồm các chi phí như: trang trí, thuê sảnh tổ chức tang lễ, hũ đựng tro cốt…). Theo Ban Quản lý nhà hỏa táng, trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận và thực hiện 2 ca hỏa táng, đa số gia đình vẫn chọn cách thổ táng cho người đã khuất ở nghĩa trang Thọ Vức.
Thực tế cho thấy, hỏa táng là hình thức mai táng văn minh, tiến bộ, là xu hướng được nhiều người, nhiều dân tộc trên thế giới lựa chọn. Vì vậy, để thay đổi nhận thức của nhiều người, các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, nhất là cơ quan báo chí, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích cán bộ và người dân chọn hình thức hỏa táng sau khi qua đời, góp phần xây dựng xã hội văn minh, dành quỹ đất để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
NGUYỄN THÀNH TRÍ
(xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa)