Tuy mới vào đầu mùa khô nhưng đã xảy ra những vụ cháy với hậu quả chết người thảm khốc ở một số nhà dân tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khiến mọi người bàng hoàng, đau xót. Vì thế, việc tự phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại gia cần phải được từng gia đình chú trọng hơn bao giờ hết…
Khoảng 0 giờ 30 ngày 4/4, tại nhà số 311 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã xảy ra một vụ hỏa hoạn làm 4 người thân trong gia đình tử vong, trong đó có phụ nữ đang mang thai tháng thứ ba. Trước đó, vào rạng sáng 30/3, một căn nhà cấp 4 nằm trên đường Nguyễn Thị Định (phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bất ngờ phát cháy. Lúc này, nhờ nằm ngủ bên ngoài nên chủ nhà may mắn chạy thoát, còn 6 người thân của ông gồm vợ, con trai, con gái, con dâu, cháu nội, cháu ngoại ở bên trong đều thiệt mạng.
Trước đó nữa, vào khuya 25/3, tại hẻm Cao Lỗ (quận 8, TP Hồ Chí Minh), hỏa hoạn bùng phát trong một căn nhà. Khi người dân chung quanh dập được lửa thì 3 người bên trong đã chết vì ngạt thở. Nguyên nhân các vụ cháy đang được điều tra làm rõ nhưng cơ quan chức năng cho hay là ở cả ba nhà này, lối ra duy nhất để thoát hiểm chỉ có cửa chính. Khi xảy ra cháy, cửa thường bị lửa chặn hoặc muốn mở khóa thoát thân cũng rất khó khăn!
Chia sẻ về các tai nạn thương tâm này, anh Nguyễn Văn Thảo (phường 4, TP Tuy Hòa) cho rằng: Khác với vùng nông thôn, cư dân các thành phố thường ở nhà lô liền kề. Cho nên, người trong nhà thoát ra bằng cửa chính gặp nguy hiểm cũng là điều dễ hiểu. Cửa chính mà bị “tắc” luôn là thôi rồi. Trong khi đó, nhiều con hẻm đã quá nhỏ, có khi bị lấn chiếm nên càng nhỏ hơn. Do đó, khi xảy ra cháy, xe cứu hỏa lại không vào được, rất khó khăn cho công tác cứu nạn cứu hộ. Vì thế, theo tôi, mỗi gia đình phải thường xuyên nâng cao ý thức PCCC ngay tại nhà mình. Phải luôn đề cao cảnh giác với “bà Hỏa” để có thể tránh được những mất mát thương tâm, đau xót khi không may bị hỏa hoạn!
Ý kiến của anh Thảo cũng chính là cảnh báo, là khuyến cáo rất thiết thực với mỗi gia đình. Vào mạng, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy những hướng dẫn rất dễ thực hiện của các chuyên gia phòng chống hỏa hoạn, của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH - Bộ Công an) và các phòng Cảnh sát PCCC-CNCH thuộc công an các tỉnh. Đầu tiên là mỗi gia đình phải chủ động xây dựng và từng thành viên trong nhà phải ghi nhớ phương án thoát nạn riêng của nhà mình; phải làm gì khi phát hiện lửa phát ra.
Ngoài cửa chính, phải tính đến các lối thoát hiểm khác, lên sân thượng kêu cứu, trèo qua ban công, mái nhà hàng xóm, công trình lân cận… Cần lắp đặt hệ thống cảnh báo nhiệt, báo khói trong nhà để chuông báo cháy đánh thức người ngủ kịp thời mà ứng phó. Cần trang bị bình chữa cháy, trang bị các kỹ năng phòng tránh bỏng, vượt qua khói lửa, trèo xuống bằng thang dây… để thoát ra ngoài. Trước khi đi vắng, đi ngủ, chủ hộ phải kiểm tra cẩn thận nguồn điện, các nguồn phát nhiệt, dễ gây cháy như hương thắp trên bàn thờ, khóa gas tránh rò rỉ…. Quan trọng nhất là mỗi thành viên phải thật bình tĩnh, không hoảng loạn để có thể tự cứu mình thoát ra ngoài…
Lâu nay, chúng ta thường thấy diễn tập PCCC-CNCH tại các cơ quan, công sở, công ty, nhà máy, đường hầm, chợ, bệnh viện, còn tại các khu dân cư hầu như chưa có. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh diễn tập này ở các khu dân cư để góp phần nhắc nhớ, nâng cao ý thức thường trực PCCC của từng người dân, từng gia đình, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
HỒ THANH TÙNG