Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, chị V - nhà ở hẻm đường Phan Đăng Lưu (khu phố Ninh Tịnh 4, phường 9, TP Tuy Hòa) lại đi làm như thường lệ.
Con gái chị học lớp 4, phải nghỉ do trường tạm đóng cửa bởi dịch bệnh COVID-19 nên được mẹ cho ở nhà đọc sách và làm các bài tập thầy cô giao. Sáng hôm ấy, trước khi đến cơ quan, chị khóa cổng cẩn thận và dặn con không bao giờ được mở cổng, mở cửa cho bất kỳ người lạ nào vào nhà. Nếu có người cứ nằng nặc đòi vào thì điện thoại báo để mẹ về giải quyết.
Trưa về đến nhà, chị “mất hồn” khi nghe con gái kể lại sự việc. Đó là vào khoảng 9 giờ, có một thanh niên đi xe máy đến trước cổng, tự xưng là thợ kiểm tra thay bình gas trong bếp vì “sắp hết thời hạn sử dụng rồi, nếu không sẽ phát nổ rất nguy hiểm”. Vì đã được mẹ cảnh báo trước nên cháu gái không đồng ý và trả lời là “có gì thì chú gọi cho mẹ cháu đi”. Thanh niên trả lời là không có số điện thoại và đề nghị cháu cung cấp số nhưng không được. Người thanh niên nói cù cưa một hồi để thuyết phục cháu gái mở cổng nhưng không thành công nên lên xe, nổ máy phóng đi... Cháu gái nói với mẹ: Con thấy sợ quá nên vô nhà khóa luôn cửa lại. Mà sao chú ấy không chở bình gas đỏ như mọi khi hả mẹ? Chị V thở phào, xoa đầu khen con gái vì đã biết nghe lời mẹ, nhưng dặn lòng là lần sau sẽ không để cháu ở nhà một mình nữa!
Trường hợp của chị V có thể gọi là may mắn vì theo thông tin báo chí, đã có nhiều vụ tương tự xảy ra ở các địa phương trong nước khiến nhiều người phải đau xót vì mất của, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Như chuyện của bà N.T.Y (SN 1951, ngụ đường Văn Thân, phường 8, quận 6, TP Hồ Chí Minh) xảy ra vào cuối tháng 8/2019. Sáng hôm ấy, lợi dụng vợ chồng con trai đi làm, bà ở nhà một mình, một thanh niên chạy xe máy đến, bấm chuông và tự xưng là thợ sửa ống nước theo yêu cầu của gia chủ. Sau khi “anh thợ” nói đúng tên con trai, bà Y liền cho vào nhà. Lợi dụng lúc bà đi xuống lầu lấy thêm dụng cụ để “thợ” sửa cho nhanh, thanh niên này liền lẻn vào phòng ngủ, cạy tủ lấy đi 35.000 USD và 200 triệu đồng. Sau đó, lấy lý do phải đi mua thêm vật liệu để hoàn thành việc sửa, tên lừa đảo “lặn” một hơi không trở lại. Chờ lâu quá, bà Y sinh nghi, vào phòng kiểm tra thì phát hiện số tiền lớn đã “không cánh mà bay” nên đành mếu máo đi trình báo công an…
Lâu nay, “kịch bản” xin vào nhà để sửa đường dây điện thoại, lắp bình gas, sửa ống nước, bán hàng rẻ tiền, xin giúp đỡ từ thiện…, sau đó lợi dụng sơ hở của chủ nhà để ra tay chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn không mới của bọn xấu. Nhưng tại sao nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin dẫn đến mắc lừa để rồi lâm vào cảnh tiền mất tật mang? Đơn giản là vì chưa thường xuyên nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm như chị V đã nhắc nhở, giáo dục cho con.
Trong tình hình các loại tội phạm diễn biến phức tạp, hoạt động tinh vi và hết sức lắt léo, khó đoán như hiện nay, hơn bao giờ hết, các gia đình cần chú ý điều này. Cụ thể là dặn dò người thân không mở cửa cho người lạ vào nhà, không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, báo cho nhà kề bên biết để trông nhà dùm mình và các động tĩnh có liên quan khi có việc cần đi xa.
Từng gia đình nên có số điện thoại của công an địa phương để khi gặp sự cố thì liên hệ nhanh chóng, hiệu quả. Mỗi nhà, ngoài việc tự bảo vệ an toàn gia đình, cũng nên thường xuyên nhìn sang nhà hàng xóm (nhất là khi láng giềng đi vắng) để có thể kịp thời phát hiện các nghi vấn, nghi ngờ… cấp báo cho cơ quan chức năng. Làm được như vậy là góp phần gìn giữ, bảo vệ an ninh trật tự khu dân cư, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
VĂN THANH XUÂN
(Phường 9, TP Tuy Hòa)