Khoảng 6 giờ ngày 28/3, ông L.P.K (hơn 60 tuổi, ở TP Tuy Hòa) đi tắm biển tại khu vực gần đường Độc Lập - Nguyễn Văn Cừ (phường 7, TP Tuy Hòa). Trong lúc mải mê ngụp lặn, ông bất ngờ bị dòng nước cuốn ra xa, bơi mãi nhưng không vào được bờ nên hoảng loạn vùng vẫy, giơ tay kêu cứu.
Lúc bấy giờ, một nhóm người đang chơi bóng chuyền trên bãi biển thấy vậy bèn cử hai người bơi “cứng” nhất, mang theo áo phao và hơn 50 mét dây bơi ra tìm cách đưa ông K vào bờ. Nhờ nỗ lực và sự khéo léo của hai nhân viên cứu hộ không chuyên này, sau đó, ông K tránh khỏi nguy cơ đuối nước và được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui của nhiều người có mặt lúc đó.
Anh N.T.H (40 tuổi, ngụ khu phố Ninh Tịnh 1, phường 9, TP Tuy Hòa) cho hay mấy năm qua, “hội” tắm biển của anh vẫn thỉnh thoảng phát hiện và cứu thành công một số người bị dòng nước cuốn ra biển như trường hợp nói trên của ông K. Theo nhận định của anh, đây là nạn nhân của dòng chảy xa bờ thường gặp ở các vùng bãi ngang như biển Tuy Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung. Dòng chảy xa bờ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, không chỉ xuất hiện khi có sóng to mà ngay cả những lúc sóng lăn tăn hoặc không lớn lắm. Vì thế, người tắm biển phải luôn luôn chú ý, cảnh giác cao độ để không rơi vào cảnh hoảng loạn, thậm chí mất mạng.
Theo nghiên cứu của các nhà hải dương học, dòng chảy xa bờ là dòng nước biển đi từ bờ ra biển, còn được gọi là dòng Rip (Rip current). Đây là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp chết đuối khi tắm biển. Khi dòng chảy xa bờ xuất hiện, nó sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó ra xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển trong một thời gian rất nhanh khiến các nạn nhân không kịp trở tay. Dòng chảy xa bờ cực kỳ nguy hiểm vì nó kéo người biết bơi ra xa bờ, làm cho đối tượng kiệt sức khi cố bơi ngược lại nó để vào bờ rồi sau đó kiệt sức, đuối nước.
Vì thế, khi bất ngờ rơi vào dòng chảy xa bờ thì trước hết, người tắm biển phải giữ được bình tĩnh và nhất là không cố gắng bơi ngược dòng chảy để vào bờ. Thay vào đó, nếu là người bơi giỏi, hãy điềm tĩnh bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ có sóng bạc đầu rồi nương theo sóng để tìm cách vào bờ. Ngược lại, nếu là người bơi yếu thì hãy thả nổi trong nước để giữ sức. Đồng thời giơ tay lên cao ra tín hiệu nhờ trợ giúp, cứu hộ của những người tắm xung quanh hoặc trong bờ.
Để không trở thành “mồi ngon” của dòng chảy xa bờ, quan trọng nhất là người tắm nên tìm đến những vùng biển lặng hoặc ít sóng, có đông người tắm, những nơi luôn có lực lượng cứu hộ thường trực trên bờ, tuyệt đối không nên tắm ở những nơi vắng vẻ, ít người. Trước khi xuống nước, nên quan sát, tìm hiểu các biển báo được đặt trên mặt nước hoặc gần bờ để chọn địa điểm phù hợp, đảm bảo an toàn cho bản thân trong suốt quá trình tắm.
Các lực lượng cứu hộ cần có đầy đủ phương tiện, trang bị cấp cứu theo yêu cầu; bố trí thời gian trực theo dõi, giám sát thích hợp và thường xuyên ở các bãi tắm để kịp thời cứu nạn, cứu hộ các trường hợp không may; kiên quyết “mời lên” những cá nhân không chấp hành nghiêm túc các quy định về tắm biển an toàn của chính quyền địa phương. Có như vậy, mới góp phần xây dựng bãi tắm an toàn, người tắm an vui.
CHÂU VĂN TÂM