Chợ tự phát ven đường tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn giao thông đã xảy ra trong thời gian dài, mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng các địa phương đã nhiều lần ra quân xử lý, giải tỏa, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Chợ tự phát hay còn gọi là “chợ xổm”, ban đầu hình thành chỉ có vài hộ buôn bán nhỏ lẻ, sau đó do nhu cầu mua và bán của người dân tăng dần và để có mặt bằng buôn bán nên phải lấn chiếm lòng, lề đường.
Hàng chục năm nay, người dân ở khu phố 5, phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa phàn nàn bởi sự nhếch nhác, lộn xộn cảnh bán buôn dọc hai bên đường Lê Trung Kiên, đoạn giáp với đường Võ Nguyên Giáp. Chợ này chỉ diễn ra buổi chiều, từ 14-18 giờ. Tuy là “chợ xổm”, bán trong thời gian ngắn nhưng cũng có nhiều sạp hàng bày bán la liệt; cảnh người mua, kẻ bán nhộn nhịp và xe các loại lấn gần hết lòng đường, cản trở giao thông. Cạnh nơi họp chợ là kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên trong quá trình buôn bán nhiều người vô ý thức vứt rác xuống dòng kênh. Điều đáng nói, đây là tuyến đường mà nhiều phương tiện giao thông khi từ phường Hòa Hiệp Trung lên Hòa Vinh và từ các xã, phường Hòa Xuân xuống các xã phường Hòa Hiệp.
Bà Trần Thị Mai ở gần chợ này bức xúc: Đường không phải là nơi họp chợ, nhưng không hiểu sao “chợ xổm” này cứ tồn tại trong thời gian dài. Tôi thấy chính quyền địa phương cũng cử lực lượng kiểm tra, lập lại trật tự nhưng chỉ một thời gian lại đâu vào đấy. Việc họp chợ lấn hết đường rất nguy hiểm, nếu không may xảy ra tai nạn thì hậu quả sẽ khôn lường.
Tương tự, chợ Hầm Nước, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa nằm trên đường Võ Thị Sáu nhiều năm qua cũng xảy ra tình trạng tiểu thương lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ trên tuyến đường này. Hay như chợ Phú Thứ, huyện Tây Hòa cạnh quốc lộ 29, vào buổi sáng hàng ngày, khu vực trước cổng chợ nhiều người ngang nhiên đậu xe trên lòng đường để vào các điểm kinh doanh hàng hóa, khiến các loại phương tiện lưu thông qua đây hết sức khó khăn, nguy hiểm. “Hiện nay trên tuyến đường này các loại phương tiện giao thông qua lại tấp nập, chỉ một sơ suất của lái xe hay người đi đường thì tai nạn giao thông có thể xảy ra, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề”, ông Lê Văn Tiên, lái xe tải chở nông sản từ Sông Hinh xuống Tuy Hòa cho biết.
Theo lãnh đạo các địa phương, thực trạng phổ biến hiện nay tại các chợ tự phát là người bán luôn sẵn sàng ôm hàng chạy tránh khi có mặt lực lượng chức năng, nhưng sau đó thì quay lại mua bán tiếp khiến việc xử lý, giải quyết khó dứt điểm. Tình trạng này không chỉ gây nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn mất mỹ quan đô thị, nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.
Nghị định 100/2019/NÐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị số tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với cá nhân và từ 600.000-800.000 đồng đối với tổ chức. Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh mua bán, dịch vụ ăn uống. Để không còn tình trạng này diễn ra, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, chính quyền địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, họp chợ, tụ tập đông người.
LÊ VĂN HÙNG