Có ăn cho nhanh rồi còn đi học không? Ai đời lên lớp 4 rồi mà cứ sáng nào cũng gọi hoài mới chịu dậy! Ăn lẹ đi, còn mười phút nữa là đến giờ học thêm nhà cô rồi! Sao mà cứ ngồi lì lì vậy? Con với cái như mày đúng là…
Tiếng người mẹ trẻ vang lên đầy bực bội khiến nhiều khách ngồi trong quán cơm gà vỉa hè đường Trường Chinh (phường 7, TP Tuy Hòa) sáng hôm ấy quay lại nhìn. Còn cậu bé bị mắng thì liếc mẹ với ánh mắt đầy ấm ức, đẩy đĩa cơm ra xa. Người mẹ lại tiếp tục điệp khúc: Có ăn cho nhanh rồi còn đi học không? Ăn lẹ đi… Người thanh niên ngồi cùng bàn cất tiếng nhỏ nhẹ: Chị cứ la mãi thì cháu nó càng bướng là đúng thôi. Trẻ con đứa nào chẳng thế. Người mẹ trẻ quay sang, nhấm nhẳn: Con tôi đẻ ra tôi dạy, mắc mớ gì đến anh? Cậu thanh niên nghe vậy, lắc đầu và không nói gì nữa.
Chứng kiến sự việc, tôi chợt nhớ lại cách hành xử phản cảm của nhiều bậc cha mẹ với con mình nơi công cộng mà báo chí và mạng xã hội đã thông tin. Nhẹ nhất là quát nạt, rỉa rói như bà mẹ trẻ vừa kể trên. Còn nặng thì ôi thôi không thiếu những cung bậc khủng khiếp rất phản cảm. Như có người cha bắt con quỳ giữa đường đông người qua lại chỉ vì cái tội lấy trộm tiền ba mẹ đi chơi game. Có người nhẫn tâm hơn là trói con phơi nắng cũng do cái tội ham chơi hơn lo học hay vì những lý do rất nhỏ nhặt khác. Hậu quả là sau đó cơ quan chức năng phải can thiệp để chấm dứt các hành vi phản giáo dục này!
Do tâm sinh lý phát triển chưa đầy đủ, nhận thức nhiều mặt còn khiếm khuyết nên con trẻ tất yếu phải có lúc này lúc khác như chưa chăm chỉ, lười biếng, chậm chạp, vụng về… trong học tập và cuộc sống hàng ngày. Trước thực tế này, bậc cha mẹ cần gần gũi, tìm hiểu căn nguyên sự việc vì sao con trẻ lại như thế. Từ đó, tìm các biện pháp phù hợp để nhắc nhở, động viên, khích lệ các em vượt qua khó khăn theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Nếu kiên trì và có tình thương con cái, chắc chắn các bậc cha mẹ sẽ tìm ra nhiều phương pháp hữu hiệu, các khuyết điểm, thiếu sót sẽ dần được khắc phục để con trẻ trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Nếu chỉ chăm bẳm la mắng, chửi rủa hay áp dụng các giải pháp như làm nhục con cái nơi công cộng sẽ chỉ khiến con trẻ ngày càng lì lợm và sẽ phản kháng lại cha mẹ khi “tức nước vỡ bờ” dẫn tới nhiều hệ lụy xấu. Chỉ có tình thương, sự cảm thông và nhất là lòng khoan dung của cha mẹ mới giúp con cái bước qua những hạn chế của tuổi thơ để lớn lên mạnh mẽ, vững vàng trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
LÊ HOÀNG DUY