Sáng chủ nhật, uống cà phê tại quán Phố Xanh (đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa), tôi tình cờ ngồi gần bàn ba cô gái trẻ.
Trong khi hai cô mở điện thoại, vào facebook khoe ảnh, clip về con mình và bình luận sôi nổi thì cô còn lại chỉ nhìn các bạn và cười mủm mỉm. Một trong hai cô hỏi: Sao không thấy T đưa ảnh đứa nào lên hết vậy? Cô gái tên T nhẹ nhàng trả lời: Chúng nó còn nhỏ và bình thường quá nên mình chẳng muốn đưa lên làm chi. Đợi khi nào học lên cấp ba hay vào đại học mà giỏi giang, xuất chúng thì cho hai cháu “diện kiến mọi người” cũng không muộn mà…
Nghe cô T nói mà tôi thấy thiện cảm với người mẹ này. Bởi vì từ ngày có mạng xã hội như facebook, zalo…, bỗng dưng nở rộ phong trào khoe con của nhiều bà mẹ. Từ lúc mới oe oe ra đời tại bệnh viện hay khi đã đi mẫu giáo, mầm non, học cấp một cấp hai…, tất tần tật đủ kiểu ảnh của các cục cưng được các bà mẹ đưa lên mạng xã hội. Vào dịp kết thúc học kỳ hay năm học, giấy khen về kết quả học tập của các cháu lại xuất hiện rần rần trên mạng như một kiểu báo cáo thành tích cho cộng đồng. Đi liền với các ảnh hay clip là những lời giới thiệu và bình luận “có cánh” của người đăng tải cũng như những người tham gia…
Công bằng mà nói, việc khoe ảnh hay các thông tin về con trên mạng xã hội là chuyện bình thường, là ý muốn chính đáng của các bà mẹ (thậm chí cũng có nhiều ông bố rất ưa thích và tự hào về điều này). Nhưng khoe như thế nào cho vừa phải và nhất là không ảnh hưởng đến an toàn và đời sống tinh thần của con mới là đáng quan tâm. Nhưng không phải người mẹ nào cũng chú ý đến vấn đề quan trọng này.
Theo phân tích của các chuyên gia, nếu cha mẹ cứ chăm chăm đăng ảnh trẻ hay cập nhật thông tin về các hoạt động của chúng trên mạng xã hội nói chung là “lợi không bằng hại”. Vì qua những đăng tải này, kẻ xấu có thể lợi dụng hình ảnh, thông tin để làm những điều phạm pháp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển của trẻ. Ví dụ như lấy ảnh của trẻ (nhất là các bé gái) để quảng bá cho các đường dây hoạt động ấu dâm, mua bán trẻ em mà bọn chúng đang thực hiện xuyên quốc gia chẳng hạn. Trẻ xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội dễ có nguy cơ bị kẻ xấu theo dõi để tấn công tình dục hoặc bắt cóc. Hay hình ảnh của trẻ sẽ bị biến hóa, trở thành trò đùa cợt, bị ai đó lợi dụng câu like, câu view trên mạng, dùng làm hình ảnh cho quảng cáo… sẽ xảy ra nhiều nguy cơ khó lường.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã qui định việc đăng tải thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi không có sự đồng ý của chính chủ sẽ bị phạt. Vì thế, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý để khỏi vi phạm pháp luật và không vô tình gây hệ lụy xấu cho cuộc sống của con cái.
ĐỖ TẤN TỚI