Sáng 6/5, nhóm cà phê vỉa hè bốn người chúng tôi bàn về đủ chuyện trong nước, quốc tế và cuối cùng cũng trở lại chủ đề chính là việc phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta.
Tất cả đều thống nhất rất cao là dưới sự lãnh đạo, điều hành đúng đắn, kịp thời, quyết liệt của Trung ương Đảng và Chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và đồng bộ để bảo vệ sức khỏe nhân dân và cố gắng hạn chế tối đa những thiệt hại do đại dịch gây ra. Trong đó, nổi bật nhất là đến nay cả nước chỉ có 271 ca nhiễm COVID-19; trong đó, 232 người đã được chữa khỏi và chưa có ca nào tử vong.
Anh T góp chuyện: Qua hơn 3 tháng cả nước chống dịch, có thể thấy, thiệt hại về kinh tế là rất lớn vì sản xuất, làm ăn bị đình đốn, trì trệ. Đồng thời, các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục cũng bị ảnh hưởng nặng… Việc khắc phục những tổn thất do COVID-19 gây ra đòi hỏi thời gian dài nhưng chắc chắn sẽ thành công. Rồi anh bất ngờ khẳng định: Không biết các ông thấy sao nhưng tôi thấy COVID-19 cũng có “cái hay” là khơi lại và nhắc nhớ chúng ta hãy luôn duy trì những thói quen hàng ngày có lợi cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Rồi anh phân tích: Thứ nhất là việc rửa tay. Lâu nay, ngành Y tế đã khuyến cáo người dân nên rửa tay thường xuyên, đúng cách bằng nước sạch, xà phòng và dung dịch sát khuẩn vì đây cũng là một biện pháp cần thiết và quan trọng để phòng bệnh. Cụ thể là rửa tay trước, trong và sau khi nấu ăn; trước khi ăn; trước và sau khi điều trị vết thương; chăm sóc người bệnh; sau khi đi vệ sinh, ho hoặc hắt hơi; sau khi thay tã và vệ sinh cho trẻ; sau khi chạm vào động vật, thức ăn gia súc hoặc chất thải động vật; sau khi chạm vào rác… Nhưng trong thực tế thời gian qua thì việc này chưa trở thành nền nếp của nhiều người, nhiều gia đình. Qua những ngày phòng, chống COVID-19 hiện nay, có thể thấy, rửa tay đang trở thành thói quen của nhiều người và đây là điều đáng mừng, đáng nhân rộng. Thứ hai là việc đeo khẩu trang. Theo các chuyên gia y tế, ở những nơi công cộng, chúng ta thường gặp gỡ nhiều người, khả năng lây nhiễm các loại mầm bệnh rất cao. Vì thế, đeo khẩu trang giúp ngăn cản sự lây lan, phát tán của một số loại virus gây bệnh qua đường hô hấp như bệnh cúm, bệnh lao…, và hiện SARS-CoV-2 là virus đang giết hại hàng trăm ngàn người trên thế giới. Khi đi ra đường, đeo khẩu trang sẽ ngăn và giảm được mùi khói, xăng xe, là thiết bị chống nắng, giúp làn da tránh những tác nhân gây hại, nhất là đối với các chị em. Và trong những ngày toàn dân phòng, chống COVID-19 như đã và đang thấy, việc đeo khẩu trang khi đi đường cũng như tại nơi công cộng được bà con tích cực hưởng ứng, nhất là trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ ba là việc gắp thức ăn cho nhau trong đám giỗ, tiệc cưới, sinh nhật… Nguyên nhân là do nhiều người muốn thể hiện lòng hiếu khách, sự quan tâm, chăm sóc bạn cùng mâm, chung bàn. Nhưng điều đáng nói là “hảo khách” này lại dùng chính muỗng, đũa của mình để gắp thức ăn bỏ vào chén của “đối tác” mà quên rằng đây là việc làm rất mất vệ sinh vì có thể vô tình làm lây lan mầm bệnh. Chắc chắn là sau khi dập tắt đại dịch, thói quen không tốt này sẽ được lưu ý để rồi dần “biến” hẳn!
Rồi anh kết luận: Nói COVID-19 cũng có “cái hay” là vậy. Vì nó nhắc chúng ta nhớ và thực hành lại những thói quen tốt, có ích, có lợi cho việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cá nhân, tập thể mà lâu nay nhiều người bỏ quên. Bên cạnh đó, nó khiến ta thay đổi, rời bỏ thói quen cũ tưởng hay mà dở như gắp thức ăn mời nhau. Hy vọng rằng, sau khi COVID-19 bị khống chế hoàn toàn, các thói quen tốt, hữu ích sẽ nở rộ, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng.
HÀ THANH HỒ