Sáng 20/5, nói chuyện qua Zalo, cháu tôi (hiện ở phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) hỏi thăm tình hình xử lý vi phạm giao thông ở Phú Yên như thế nào?
Tôi trả lời là mấy hôm nay ít ra khỏi nhà nên không rõ lắm. Nhưng chắc chắn là cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh, thành phố nào cũng phải thực hiện theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Cục CSGT (Bộ Công an) trong đợt tổng kiểm tra, kiểm soát an toàn giao thông từ 15/5-14/6 trên phạm vi cả nước. Cháu tôi cho biết vừa bị phạt 100.000 đồng vì không có bảo hiểm xe máy (BHXM) khi chạy xe và nhắn: Cậu nhớ nhắc mấy anh chị trong nhà ai chưa có thì nhớ mua BHXM nha. Khi ra đường không chỉ lái xe đúng luật mà còn phải mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết như đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm xe nữa đó!
Lâu nay, nói đến Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 (NĐ100) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ 1/1/2020), nhiều người vẫn nghĩ rằng nội dung chủ yếu, quan trọng của văn bản này là phạt “khủng” những người mắc lỗi đã uống rượu bia mà vẫn lái xe. Như đối với người lái xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn, có thể bị phạt từ 2-8 triệu đồng, người lái ô tô vi phạm tương tự thì bị phạt từ 6-40 triệu đồng. Nhưng tìm đọc lại NĐ100, mới thấy nó đề cập rất chi tiết và bao quát rất nhiều hình thức, mức độ xử lý về vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ, vi phạm quy định về vận tải đường bộ và các lĩnh vực liên quan khác, chứ đâu chỉ có xử phạt lỗi “sần sần” bia rượu trong khi lái xe! Chẳng hạn, NĐ100 quy định xử phạt người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy) vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông. Cụ thể là phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng…; phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe không có giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng, sử dụng giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp… Phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường; chở người ngồi trên xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách…
Do đó, vấn đề đặt ra là mỗi công dân cần phải tìm hiểu, nắm bắt tường tận, đầy đủ các quy định trong NĐ100 để thực hiện cho đúng. Qua đó mới khỏi vô tình vi phạm pháp luật, khỏi bị xử lý hành chính, mất tiền oan uổng hay bị thu giấy phép lái xe, thậm chí bị xử lý hình sự mà vướng vào lao lý. Bên cạnh đó, phải nói rằng, đến nay, việc tuyên truyền NĐ100 vẫn chưa được các cơ quan chức năng thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt; dẫn đến một bộ phận người dân còn lơ mơ trong nhận thức, chấp hành. Nội dung tuyên truyền cần phải thật cụ thể, nhất là các hành vi vi phạm phải đi kèm với mức phạt để người dân hiểu và thực hiện. Làm được như vậy mới đưa NĐ100 đi vào cuộc sống, hình thành ý thức tham gia giao thông văn minh cho cộng đồng và góp phần kéo giảm hiệu quả tai nạn giao thông trên cả ba mặt.
ĐẶNG HỮU TOẢN