Đến nay đã hơn 10 ngày học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh phải tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra. Sự ngừng đến trường bất khả kháng này của các em, các cháu đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy cho các bậc phụ huynh.
Với học sinh từ cấp THCS trở lên, việc ngừng đến lớp dù sao cũng còn “dễ thở” đối với cha mẹ vì các em đã tương đối lớn rồi. Vì thế, việc quản lý tại gia hàng ngày không khó khăn, rắc rối bằng các cháu đang học mầm non hay tiểu học. Nhiều cha mẹ trẻ nói với nhau: “Đang yên đang lành” tự nhiên ló ra nCoV. Nhưng có dịch bệnh thì toàn xã hội phải cùng nhau đoàn kết, đối phó để vượt qua khó khăn mà mau chóng ổn định cuộc sống.
Khổ nhất là trường hợp các cán bộ công chức, viên chức, người lao động đang làm việc ở các cơ quan nhà nước, công ty, doanh nghiệp hay lực lượng vũ trang có con nhỏ đang học mầm non, tiểu học. Thường ngày con cái đi học tại trường, cha mẹ chỉ lo tranh thủ đưa đón đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, bây giờ thì khác. Người nào may mắn có cha mẹ chồng (vợ) về hưu hay đang nghỉ tại nhà mà còn sức khỏe, rảnh rang thì đúng là… trúng số độc đắc. Bởi vì sáng sớm chỉ đơn giản chở cháu đến để ông bà quản lý hộ và chiều tối lại đến đón về. Nhờ vậy, họ yên tâm mà lo công tác hoặc kinh doanh, sản xuất. Còn những người không có điều kiện như thế thì phải thuê người về nhà trông trẻ, dù tốn tiền nhưng vẫn không an tâm, cứ vừa làm việc vừa lo nơm nớp không biết nẫu sẽ đối xử với con mình như thế nào, có bạo hành bạo lực gì không? Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều gia đình ở Phú Yên có con cái lập nghiệp, mưu sinh tại TP Hồ Chí Minh, trong những ngày toàn quốc đối phó với nCoV này, vì thương con xót cháu mà tự nguyện xa nhà vào Nam làm “osin” và thầm cầu mong sao cho dịch bệnh sớm được dập tắt để nhịp sống trở lại bình thường như trước.
Chị N.T.V (phường 9, TP Tuy Hòa) cho biết: Ba mẹ chồng tôi tuy tuổi đã cao nhưng sức khỏe vẫn còn vượng lắm. Vì thế, sáng tôi chở hai đứa nhỏ đến nhờ ông bà nội “quản” giúp, chiều sau khi xong việc cơ quan tôi lại đến đón con về. Lâu nay, ông bà rất thương và quấn quýt, gần gũi với cháu nên rất tiện. Nếu không, tôi chẳng biết tính sao!
Ông T.V.C (phường 7, TP Tuy Hòa) chia sẻ: Tụi nhỏ đột nhiên phải nghỉ học ở nhà, đúng là bất tiện. Tôi có hai cháu ngoại, một học mẫu giáo nhỡ, một mới lớp ba. Sáng thứ hai tuần trước, vợ chồng con gái chở hai cháu tới và nhờ ông bà giữ giúp. Từ ngày về hưu đến nay, hai vợ chồng có thời gian thảnh thơi nghỉ ngơi, thăm thú đó đây thì nay phải sắp xếp lại mọi thứ để trông coi các cháu. Tôi lâu nay sáng nào cũng đi uống cà phê sớm với mấy bạn trong nhóm hưu, nay tạm hoãn để ở nhà trông cháu cho bà xã đi chợ, mua đồ ăn cho gia đình.
Trong thời gian giữ trẻ tại gia, nếu có điều kiện thuận lợi thì cho các cháu ra bờ biển và nơi thoáng mát, sạch sẽ để chạy nhảy, hít thở không khí trong lành nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nếu phải ở trong nhà thì cần bố trí không gian rộng rãi, thông thoáng để các cháu chơi xếp hình, đồ hàng, tập vẽ, đọc sách; hạn chế cho trẻ xem tivi, điện thoại. Đồng thời cần chú ý nhắc nhở trẻ chơi xong phải rửa tay, không nghịch ngợm hà hơi, khạc nhổ vào nhau… gắn với thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành Y tế về phòng chống dịch bệnh do nCoV ngay trong nhà và nơi công cộng. Làm như vậy là góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ trong những ngày chờ đợi quay lại trường để tiếp tục thực hiện tốt việc học theo chương trình đã định.
HOÀNG VÂN KHUÊ