Vừa rồi tình cờ xem một clip trên Youtube, tôi giật mình đến kinh ngạc vì một trò chơi rất kỳ khôi. Trong clip, nhiều thanh niên đi phát quà trung thu cho trẻ em kết hợp với việc chơi trò chơi. Thực sự tôi không biết đây là trò gì, mấy nam thanh niên ngậm vật gì đó rồi đưa vào miệng các bé gái. Dù hết sức nhạy cảm (nếu ở nước ngoài, thì các bạn thanh niên này có thể ngồi tù) nhưng mọi người cười nói giòn giã. Không hiểu cha mẹ của các bé ở đâu mà lại cho con chơi một trò chơi như thế này?
Thật ra, đây không phải là trường hợp lạ, có chăng là với lứa tuổi nhi đồng. Trong những năm gần đây, trên Youtube và Facebook xuất hiện rất nhiều clip quay lại những trò chơi của các bạn học sinh, sinh viên rất kỳ cục. Nào là trò hít đất: các bạn nữ nằm bên dưới, bạn trai nằm trên và hít đất sao cho không chạm; trò ăn chung quả táo: đôi nam nữ sinh cùng ăn sao cho nhanh hết; trò bò qua người: khoảng cả chục nam sinh nằm ngửa dưới đất và một nữ sinh bò qua tính giây. Trò bú sữa bình: bình sữa được buộc ở vòng một của nữ sinh và việc của nam sinh là phải uống sữa sao cho nhanh hết. Trò làm bể bong bóng: bong bóng được đặt ngay sau mông nữ sinh, việc của nam sinh là làm sao cho bể quả bong bóng... Còn rất nhiều trò chơi “dị ứng” hơn nhưng không tiện nói ra đây vì nó chẳng khác nào những clip đồi trụy...
Hầu như những người trung niên, lớn tuổi khi xem những trò này đều thảng thốt, khó chịu. Những bình luận ở Youtube, Facebook đã cho thấy họ không tán thành việc chơi những trò tục tĩu thế này. Thậm chí có nhiều người còn đặt câu hỏi, bọn trẻ đang chơi trò chơi hay làm điều tầm bậy? Tại sao người quản trò không nghĩ đến những trò chơi dân gian truyền thống rất đẹp, ý nghĩa, mang đậm bản sắc dân tộc mà lại bày ra những trò lố bịch chọc cười mọi người?
Ngẫm lại, Việt Nam chúng ta có rất nhiều trò chơi dân gian mang tính đồng đội hết sức đẹp, vui nhộn như: kéo co, nhảy bao bố, leo cột, bịt mắt bắt dê... Những trò chơi này đã truyền qua nhiều thế hệ, để lại dấu ấn khó quên trong lòng mỗi người. Vậy mà hiện nay, những trò chơi ấy mai một dần. Bởi thế hệ kế tiếp không truyền, dạy, san sẻ cho các em học sinh (mà chỉ nghĩ ra những trò kỳ quặc) khiến cho trẻ con không biết các trò chơi truyền thống.
Tất nhiên, trong quá trình vận động và phát triển, con người sẽ nghĩ ra những trò chơi mới hơn nhằm góp thêm phần phong phú cho bạn trẻ lựa chọn. Nhưng liệu có chấp nhận được không khi người ta nghĩ ra những trò như vừa nêu ở đầu bài viết. Thực sự nó mang tính chất kích thích, khiêu gợi làm cho méo mó, lệch lạc suy nghĩ ở trẻ. Các em học sinh đang ở tuổi dậy thì, rất nhạy cảm về vấn đề tâm sinh lý. Việc đụng chạm nhau như thế ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ... Nguy hiểm hơn khi trẻ con nghĩ rằng những trò chơi này là bình thường và ngày càng phổ biến rộng rãi. Vì vậy, để tâm hồn non nớt của trẻ không vấy bẩn thì người lớn nên dẹp ngay những trò thô tục này và cũng không nên tán phát chúng trên mạng. Đồng thời khôi phục những trò chơi dân gian để những thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
TRẦN THÁI HỌC