Ông cha ta có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”, cái gì cũng phải học.
Trong gia đình, con trẻ cần được học nói trước hết, để sớm hình thành kỹ năng giao tiếp khi trưởng thành.
Hiện nay, ba mẹ bận làm ăn, ít có thì giờ quan tâm đến việc dạy trẻ nói cho hay, cho đúng, thậm chí không uốn nắn khi trẻ nói tục, nói bậy. Các cháu bị nhiễm tật xấu này từ việc giao lưu trong xã hội, qua mạng hoặc phim ảnh. Về nhà, đã quen miệng, các cháu cứ vô tư phát ngôn như thế trước người lớn, nếu không nhắc nhở, lâu dần thành quen miệng.
Để giúp trẻ học nói đúng, người lớn phải gương mẫu trong cách ăn nói, giao tiếp hàng ngày. Thấy con cháu mình nói năng cộc lốc hoặc dùng các từ ngữ xấc xược thì phải chỉ bảo ngay, bắt trẻ nói lại cho đúng. Cứ như thế, trẻ sẽ thấm dần, xưng hô, nói năng đúng chuẩn mực hơn. “Nói lời hay, làm việc tốt” là một phương châm dạy trẻ cần thực hiện thường xuyên.
Các nhà giáo dục học đã tổng kết nhiều phương pháp giao tiếp bằng ngôn ngữ mà các bậc cha mẹ cũng nên biết để truyền thụ cho lớp trẻ. Trong một công trình nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Văn Lê chỉ ra nhiều cách diễn đạt bằng lời nói (và chữ viết), như cách nói cơ giới, cách nói tình thái, cách nói chỉ rõ, cách nói gợi, nói ví, nói triết lý, nói hiển ngôn, hàm ngôn... Qua đó mới thấy rằng, ngay cả người lớn cũng cần học nói, chứ không chỉ lớp trẻ. Ví dụ, khi nói “em không đúng” là nói thẳng, còn gọi là nói vỗ mặt. Nhưng khi diễn đạt “Tôi e rằng đánh giá như thế chưa thỏa đáng”, “nội dung nói là đúng, chỉ tiếc là thái độ hơi gay gắt” thì đã là cách nói tình thái, nói tế nhị, có tình cảm, làm cho người nghe tiếp thu một cách thoải mái hơn. Một cô giáo gọi học sinh trả lời, có thể gọi thẳng “Em Hằng!”. Nhưng nếu tình cảm hơn, cô vui vẻ “Cô mời bạn Hằng nào!” thì rõ ràng nội dung và sắc thái câu mệnh lệnh của cô đã khác...
Tổ chức UNESCO đã nêu cho thế kỷ XXI bốn trụ cột của nền văn hóa giáo dục toàn cầu, trong đó có học để sống với nhau. Và một trong ba kỹ năng toàn cầu ở mỗi con người phát triển toàn diện phải có là kỹ năng giao tiếp. Từ đó, ta càng thấy ý nghĩa của việc dạy trẻ.
TRẦN THÁI HỌC