Mặc dù người dân nhiều lần gửi đơn kiến nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường của nhiều hộ chăn nuôi heo quy mô lớn ở thôn An Hòa (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) kéo dài hàng chục năm qua vẫn chưa được giải quyết.
Hàng trăm hộ dân ở thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây gần 20 năm qua phải sống chung với mùi xú uế phát tán từ những cơ sở chăn nuôi heo quy mô lớn của nhiều hộ dân trong thôn.
Đơn kiến nghị do ông Phan Ngọc Phượng đứng tên có chữ ký của đại diện của 12 hộ dân khác, trong đó có cả chữ ký của một đại biểu HĐND xã gửi các cơ quan chức năng, trong đó có Báo Phú Yên, nêu: “Địa bàn thôn An Hòa chúng tôi có diện tích nhỏ nhưng lại có tới 7 cơ sở chăn nuôi heo nằm ở giữa khu dân cư. Cơ sở gần nhất cách khu dân cư chỉ 15m. Phân heo từ 7 cơ sở chăn nuôi thải ra môi trường hàng ngày với số lượng rất lớn nhưng các cơ sở không có biện pháp bảo vệ môi trường, mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình xung quanh, ban ngày lẫn ban đêm, từ việc sinh hoạt đến khi ngủ chúng tôi đều phải đeo khẩu trang”.
Theo đơn kiến nghị, người dân đã nhiều lần “cầu cứu”, kiến nghị Ban nhân dân thôn An Hòa, UBND xã Đức Bình Tây và đề nghị các hộ chăn nuôi heo khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng từ năm này sang năm khác, tình trạng trên không được giải quyết dứt điểm.
Ô nhiễm kéo dài gần 20 năm
Ngày 22/10, nhóm phóng viên Báo Phú Yên có mặt tại khu vực dân cư bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường ở thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây theo đơn kiến nghị. Đi cùng, dẫn đường là một cán bộ của UBND xã Đức Bình Tây. Lúc này là hơn 10 giờ. Vừa mở cửa xe, mùi xú uế đặc trưng đã xộc vào khiến mọi người đều phải đưa che mũi. Càng đến gần các cơ sở chăn nuôi heo, mùi hôi thối càng bốc lên nồng nặc.
Chúng tôi chỉ biết trông chờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và trả lại môi trường sống trong lành như vốn có cho người dân chúng tôi. Ông Phan Ngọc Phượng |
Cơ sở chăn nuôi đầu tiên mà chúng tôi ghé vào là của hộ ông Phan Đình Long. Chuồng trại chăn nuôi được xây ở phía sau, liền kề với nhà ở. Đàn heo trong các chuồng khoảng hơn 20 con, trong đó có 2 con heo nái, còn lại là heo thịt đang độ sung sức. Mặc dù gia chủ có xây hầm biogas để chứa phân heo nhưng mùi hôi thối vẫn còn khá nặng.
Kế bên, chỉ cách nhau hàng rào lưới B40 là dãy chuồng nuôi heo của hộ ông Phạm Văn Nghị với quy mô lớn hơn. Có một điểm chung của các hộ nuôi này là mặc dù có xây hầm biogas nhưng một lượng lớn phân heo, nước thải đen sì vẫn chảy tự do ra những luống rau muống kề bên, rồi men theo con suối nhỏ, len lỏi trong khu dân cư. Đây chính là nguồn ô nhiễm mà người dân nơi đây phải chịu đựng suốt gần 20 năm qua.
Thấy chúng tôi đang tác nghiệp, từ bên kia bờ rào ông Nghị như “có tật giật mình”, dừng việc dọn chuồng, tắm heo rồi đến gần, sa sả lớn tiếng: Tôi nuôi heo công khai ở trong vườn nhà, nước thải cũng chảy ra trong vườn nhà tôi, ai cho mấy ông đến đây quay phim, chụp hình… Đàn heo nhà tôi sắp tới mà có điều gì thì các ông, bà và UBND xã phải chịu trách nhiệm (!?).
Có nhà ở liền kề với hai hộ nuôi heo trên và hộ ông Nguyễn Văn Thọ, ông Phan Ngọc Phượng bức xúc: “Càng ngày các hộ càng mở rộng quy mô chăn nuôi, có thời điểm đàn heo lên đến bốn, năm chục con mỗi hộ nhưng quy trình xử lý vệ sinh môi trường không đảm bảo. Không kể ngày nắng hay mưa, mùi hôi nồng nặc bốc lên từ các chuồng trại chăn nuôi và các hồ chứa nước thải lộ thiên làm cho cuộc sống người dân xung quanh bị đảo lộn. Các giếng nước ở đây đều có màu vàng xanh nhờ nhợ không thể sử dụng được”.
Còn ông Võ Hải, có tiệm cắt tóc ở cách các hộ chăn nuôi này khoảng 40m, cũng bức xúc: “Họ chỉ biết kiếm tiền, làm lợi cho gia đình họ mà không hề nghĩ đến cuộc sống, sức khỏe của bà con xung quanh. Tôi mở tiệm hớt tóc cũng chỉ để kiếm sống nhưng vì ô nhiễm môi trường do những hộ nuôi heo này gây ra, khách hàng đến với tiệm của tôi ngày càng thưa dần. Có người đang cắt tóc, gặp lúc các hộ nuôi heo dội phân, súc chuồng, chịu không nổi phải bỏ dở giữa chừng, đi tiệm khác”.
Anh Võ Đào Hiến, nhà ở phía bên kia đường, cách nơi chuồng nuôi heo gần nhất khoảng 100m nói: “Cứ tầm 8-9 giờ sáng và 8-9 giờ tối là thời gian cao điểm của mùi hôi thối từ các chuồng trại chăn nuôi heo bốc lên. Đến bữa ăn, nhà nào cũng phải đóng cửa nhưng không tránh khỏi mùi hôi thối. Bà con chúng tôi rất thông cảm và tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc tồn tại các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường ngay trong khu đông dân cư là không thể được. Chúng tôi đã chịu đựng gần 20 năm nay rồi, không thể chịu thêm được nữa”.
“Khi trời có mưa thì mùi hôi thối từ phân heo càng nồng nặc hơn. Các giếng nước sinh hoạt cách các hố chứa phân heo từ 15-20m đều nổi bọt màu xanh, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bà con chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì ô nhiễm môi trường từ phân heo”, bà Lê Thị Ninh cho biết thêm.
Cần sớm xử lý dứt điểm
Trao đổi với nhóm phóng viên, ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, cho biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở thôn An Hòa đã được người dân phản ánh nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc cử tri, và mới đây UBND xã Đức Bình Tây cũng đã nhận được đơn kiến nghị tập thể của 12 hộ dân. Đây không chỉ là bức xúc của bà con mà cũng là trăn trở, vấn đề nan giải của chính quyền địa phương trong thời gian qua.
UBND xã đã phối hợp với Phòng TN-MT huyện Sông Hinh tổ chức kiểm tra, đề nghị các hộ chăn nuôi khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các hộ chăn nuôi heo làm hầm biogas… Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm chỉ được cải thiện một phần. Do các hầm biogas quá tải; một số hộ chăn nuôi khắc phục chưa tốt, vẫn còn tình trạng nước thải, phân heo thoát ra ngoài. Người dân cho rằng, đây là nguyên nhân chính gây mùi hôi thối nồng nặc nên bức xúc, tiếp tục kiến nghị.
Ông Ân cũng thừa nhận, việc tồn tại các cơ sở chăn nuôi heo theo hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường ngay trong khu đông dân cư là vi phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường; kiến nghị của các hộ dân đề nghị chính quyền, các ngành chức năng và các hộ chăn nuôi có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư là chính đáng. UBND xã cũng đã có kiến nghị lên cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp trên xin hướng xử lý.
Theo ông Ân, hướng giải quyết được đưa ra đầu tiên vẫn là công tác tuyên truyền, vận động để các hộ chăn nuôi thực hiện bảo vệ môi trường. Nếu hộ nào, người nào không thực hiện sẽ xử lý vi phạm hành chính theo quy định; trường hợp xử lý vi phạm hành chính không đạt kết quả sẽ có phương án, biện pháp mạnh hơn để xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm. “Cùng với xử lý về mặt hành chính đối với các hộ chăn nuôi vi phạm về bảo vệ môi trường; để khắc phục tình trạng trên, UBND xã Đức Bình Tây cũng đã có phương án quy hoạch 2ha đất cách xa khu dân cư, đưa các hộ có nhu cầu chăn nuôi tập trung, nhưng phương án này gặp khó khăn về kinh phí đầu tư, quỹ đất… Các hộ nuôi heo chưa quen với hình thức nuôi tập trung nên cũng không mặn mà với giải pháp này”, ông Trần Văn Ân cho biết.
Trong khi chính quyền và cơ quan chuyên môn nhiều năm qua vẫn dừng lại ở việc tuyên truyền, xử phạt hành chính đối với các cơ sở chăn nuôi trên thì hàng ngày người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm môi trường.
HIẾU CHUNG HUY