Chiều 30/9, tôi đi ăn cưới tại Nhà hàng Khách sạn Công đoàn Phú Yên (phường 7, TP Tuy Hòa). Tuy xa lạ vì mới lần đầu gặp nhau, nhưng tôi với chín khách mời ngẫu nhiên ráp vào thành một bàn, qua trò chuyện đợi đến giờ khai lễ, chốc lát tất cả mọi người đã trở thành quen thuộc.
Xong nghi thức lễ cưới của tân lang, tân nương và hai họ trên sân khấu, các món được dọn ra. Ngồi gần tôi là một trung niên nhiệt tình hơi bị “quá mức cần thiết”. Nói thế là vì mỗi khi có món mới do phục vụ mang đến, ông dùng đũa của mình nhanh chóng gắp đều cho những người ngồi cùng bàn. Một cậu thanh niên nhã nhặn: Cảm ơn bác, cứ để ai thích gì dùng đó cho tự nhiên đi. Nhưng ông cười thân thiện, trả lời: Tôi rất hân hạnh được phục vụ cả bàn mình. Nói xong, ông gắp một miếng gà luộc cho vào chén của cô gái trẻ ngồi bên cạnh. Cô gái khẽ nói: Cháu bị dị ứng nên phải kiêng món này nhưng cũng xin cảm ơn chú ạ!
Có thể nói, trong nhiều buổi tiệc cưới, đám giỗ, họp mặt, sinh nhật.., cái cảnh vừa kể rất thường thấy và đôi khi dẫn đến những “phản ứng” tế nhị không đáng có. Người viết bài này đã từng chứng kiến có “nạn nhân” khi được chăm sóc như vậy đã len lén lấy đũa gắp món ăn bỏ xuống dưới gầm bàn!
Chuyện “gắp món bỏ chén người” này xét cho cùng là không nên tồn tại trong các bữa tiệc. Nói thế là vì tuy người gắp cho rằng việc làm của mình là tôn trọng, quan tâm các bạn cùng bàn nhưng điều ấy chỉ là suy nghĩ chủ quan của cá nhân mà thôi. Còn người nhận có lúc cảm thấy khó chịu nhưng không nói ra để giữ hòa khí. Trong thực tế, vì cơ địa và sức khỏe khác nhau, có người ăn uống tự do theo sở thích và món nào cũng dùng được; có người do mắc bệnh nên phải kiêng món này món nọ. Thử hỏi, nếu có một người ngồi kế bên lâu nay đang bị tiểu đường, mỡ máu phải kiêng khem cẩn thận, nếu ta cứ món nào cũng múa đũa gắp bỏ nhiệt tình thì rõ ràng là “trật ờ” rồi. Chưa kể, theo các chuyên gia sức khỏe, nếu dùng đũa của mình đang ăn để gắp tôm, cá, thịt... bỏ vào chén của người khác hay “xử lý” nồi lẩu các loại để dùng chung vừa nhìn không thuận mắt, lại vừa có nguy cơ vô tình lây lan các loại virus truyền bệnh qua đường miệng. Cứ vào Google tìm hiểu về vấn đề này, ta sẽ thấy các chuyên gia, bác sĩ phân tích rất rành rọt, khoa học với nhiều số liệu chứng minh cụ thể và thuyết phục.
Do đó, khi tham dự các buổi ăn uống đông người, cách tốt nhất là trước khi ăn nên có lời mời chung với tập thể cùng bàn. Sau đó, cứ để tùy nghi mỗi người một khẩu vị, sở thích và hoàn cảnh sức khỏe riêng, ai ưa ăn gì, khoái món nào thì tự gắp lấy là phù hợp nhất. Như thế mới tránh được những việc khó xử tế nhị không đáng xảy ra.
Ở các dịp tiệc tùng, nhậu nhẹt, đôi khi còn xảy ra tình trạng mời uống, thậm chí ép uống rất phản cảm dẫn đến nảy sinh nhiều hệ lụy không hay. Đó là có anh khi đã sần sần, tưng tưng, xình xàng rồi nhưng cứ kiên quyết nâng ly mời người khác cho bằng được. Nếu “đối tác” uống cầm chừng hoặc còn để lại “lông đền” thì tìm cách cà khịa, vặn vẹo để làm thế nào cho sạch sành sanh mới ưng cái bụng mình.
Thích ăn gì, muốn ăn gì là chuyện riêng của mỗi cá nhân, là quyền con người. Vì thế, ta nên tôn trọng và không nên can thiệp vào. Chỉ cần trong bữa tiệc có lời mời lịch sự trước khi ăn là được. Uống bia rượu cũng vậy, là tùy theo niềm vui, cảm hứng và phụ thuộc vào “đô” của mỗi người, đặc biệt là phải luôn nhớ đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng. Vì thế, không nên ép ai đó phải nâng ly theo ý muốn của mình. Ghi nhớ và thực hiện tốt điều này sẽ góp phần giữ cho các buổi tiệc, đám giỗ, cuộc nhậu diễn ra vui vẻ, đầm ấm và nhất là không xảy ra những chuyện lình xình, gây hậu quả nghiêm trọng.
NGUYỄN VŨ SƠN
(Thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An)