Chủ Nhật, 22/09/2024 18:42 CH
Nói không với thịt chó, tại sao chưa?
Thứ Năm, 26/09/2019 12:34 CH

Chiều tan sở, anh bạn tôi mời nhóm đồng nghiệp thân quen cùng phòng lâu nay đi “chén” thịt chó ở quán Cầy tơ 48 (đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 7, TP Tuy Hòa) nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Thậm chí có anh còn “vặn” lại: Giờ mà ông còn dùng món này sao? Tôi đã nói “không” từ lâu lắc rồi!

 

Kể tôi nghe chuyện, anh nói giọng ấm ức: Không đi thì thôi, còn bày đặt hỏi này truy kia? Bạn bè gì mà khó chịu quá! Tôi cười: Kệ nẫu, mình có lòng mà người ta không có bụng thì cũng chẳng sao. Với lại, ông nên từ bỏ thói quen này là vừa. Thịt chó ăn tuy khoái khẩu nhưng xem ra cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm đó!

 

Rồi tôi giới thiệu cho anh là ngày 6/9 vừa rồi, trên website của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh có một bài viết khuyến cáo người dân đô thị lớn nhất nước nên vĩnh biệt thói quen ăn thịt chó. Về nguyên nhân xã hội, bài viết khẳng định (mà chắc chắn là ai ai cũng đồng tình) rằng chó là loài vật nuôi được thuần hóa và gắn bó với cuộc sống của con người từ hàng trăm năm nay.

 

Trong nhiều gia đình, chó không những giúp người chủ trông nhà mà nó còn được xem như là một thành viên, là con vật yêu thương, gắn bó. Thời gian gần đây, nhiều phòng khám thú y và cửa tiệm chăm sóc thú cưng phát triển mạnh do nhu cầu của chủ nuôi, cho thấy tình cảm dành cho loài chó ngày càng sâu đậm, thân thiết.

 

Và nguyên nhân quan trọng hơn theo bài viết chính là vấn đề an toàn sức khỏe của con người. Bởi việc sử dụng thịt chó có thể gây nên nhiều rủi ro về sức khỏe do việc chăn nuôi, giết mổ chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của cơ quan nhà nước.

 

Cụ thể là thịt chó nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh dại; nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập vào cả não và mắt. Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (larva migrans) gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

 

Bên cạnh đó, thịt chó còn nhiễm hóa chất tồn dư, đặc biệt là các hóa chất dùng để đánh bả chó khi bắt trộm, những hóa chất này thường rất độc và có thể gây tử vong khi được con người sử dụng. Từ những phân tích nêu trên, bài viết cho rằng sử dụng thịt chó là thói quen không tốt. Vì thế nên từ bỏ, nhất là trong thời kỳ hội nhập, giao lưu với thế giới và tạo dựng hình ảnh đất nước Việt Nam văn minh, hiện đại trong cộng đồng quốc tế.

 

Nghe xong các thông tin, anh bạn trầm ngâm rồi nói: Nhiều năm rồi tôi hay dùng thịt chó, giờ mới biết cái vụ virus, hóa chất độc hại sao ớn quá. Chắc sắp tới phải xem xét lại việc này, xin cảm ơn ông!

 

Lâu nay, ở nhiều địa phương trong nước nói chung và Phú Yên nói riêng vẫn còn xảy ra nạn bắt chó trộm mà đáng chú ý nhất là vụ mới đây ở tỉnh Thanh Hóa. Sau thời gian theo dõi, trong hai ngày 15-16/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ 16 nghi phạm để điều tra hành vi trộm chó và tiêu thụ chó bị trộm ở các huyện, thành phố trong tỉnh.

 

Tang vật thu giữ được là hơn 50 con chó cùng nhiều xe máy, bộ kích điện, ớt bột, mảnh chai sành đập nát… là phương tiện dùng để trộm chó và tẩu thoát của các “cẩu tặc”. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ đầu năm đến nay đã trộm và tiêu thụ hơn 100 tấn chó trên địa bàn tỉnh này! Đây có thể nói là đường dây trộm chó “khủng” nhất trên cả nước từ trước đến nay bị phát hiện.

 

Nguồn thịt chó cung cấp cho các quán để phục vụ dân nhậu chủ yếu là từ hoạt động trộm chó để bán lại của các “cẩu tặc”. Và việc trộm chó thường dẫn đến hệ lụy không hay như nỗi buồn, sự uất ức, bức xúc của gia chủ bị mất chó. Nhưng nghiêm trọng nhất là có nơi, khi phát hiện kẻ trộm chó, dân bức xúc nên rủ nhau rình rập, bao vây, bắt giữ rồi đốt xe máy và đánh chết thủ phạm, khiến sau đó nhiều người liên quan phải vướng vào vòng lao lý. Lại có nơi, kẻ trộm chó manh động, liều lĩnh tấn công lại và gây thương tích, thậm chí tử vong người bị hại.

 

Trước kia, ở Phú Yên mọc lên rất nhiều quán thịt chó. Nhưng mấy năm trở lại đây, số quán “cầy tơ” ngày càng giảm mạnh ở TP Tuy Hòa và các huyện, chứng tỏ phong trào không ăn thịt chó đang ngày càng được nhiều người hưởng ứng, tham gia.

 

Hàn Quốc là quốc gia nổi tiếng về ngành công nghiệp thịt chó ở châu Á (với khoảng 17.000 trang trại chuyên nuôi chó để giết thịt trên toàn quốc), nhưng quốc gia này đang tìm cách loại bỏ ngành nuôi, giết mổ và tiêu thụ thịt chó dù gặp rất nhiều khó khăn, cản ngại. Với một nước mà người dân vốn có thói quen ăn thịt chó như Việt Nam, vấn đề nói “không” với thịt chó cần được quan tâm tuyên truyền, vận động và thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.

 

VÕ TOÀN TÂM

(phường 5, TP Tuy Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek