Thời gian qua, ở Phú Yên cũng như các địa phương khác trong cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng người dân.
Nguyên nhân chính là do người điều khiển ô tô, xe máy, người đi bộ cố tình băng qua đường sắt khi tàu hỏa đến gần. Hậu quả tai nạn gây ra thì ai cũng thấy rõ, thế nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại các đường ngang giao nhau với đường sắt trên địa bàn tỉnh, nhiều người vẫn cố tình băng qua đường sắt, dù nhân viên gác chắn đã hạ barie.
Đơn cử như tại điểm giao nhau giữa đường sắt với đường Võ Nguyên Giáp (huyện Đông Hòa), đường Ngô Gia Tự, Lê Thành Phương (TP Tuy Hòa)… thời gian gần đây, mỗi khi có tàu hỏa chạy qua, dù nhân viên gác chắn đã hạ barie, nhưng nhiều người điều khiển xe máy, hoặc đi bộ vẫn cố tình băng qua đường sắt. Có trường hợp vượt qua gác chắn, dựng xe gần với đường sắt, trong khi tàu đang lao tới với vận tốc cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ai chứng kiến cảnh này đều tỏ ra bức xúc trước hành động của những người thiếu ý thức.
Đoạn đường sắt qua Phú Yên dài hơn 95km đi qua nhiều khu vực đông dân cư các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Tại các địa phương này có 40 đường ngang hợp pháp giao nhau với đường sắt và khoảng 60 đường ngang dân sinh.
Theo Tiểu ban An ninh trật tự và an toàn giao thông đường sắt Phú Yên (Công ty CP Quản lý đường sắt Phú Khánh), có nhiều vị trí đường ngang nguy hiểm thường xuyên xảy ra tai nạn như đường ngang tại Km1205+900 đoạn qua phường Phú Thạnh, Km1201+550 đoạn qua phường Phú Đông thuộc TP Tuy Hòa. Nhiều đoạn đường sắt qua địa bàn tỉnh bị người dân lấn chiếm hành lang an toàn, chăn thả bò hai bên đường ray, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Để đảm bảo an toàn đường sắt, ngoài việc xây dựng nhiều tuyến đường gom dọc đường sắt nhằm giúp người dân đi lại an toàn, thiết nghĩ ngành Đường sắt cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua tổ chức cho các hộ dân ký cam kết về việc đảm bảo hành lang an toàn đường sắt, xử lý triệt để các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Hàng tuần, các đoàn thể của xã, phường nên tổ chức phổ biến pháp luật, tranh ảnh, chia sẻ về các câu chuyện giao thông nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân. Ở gia đình, cha mẹ, ông bà phải làm gương cho con cháu tuyệt đối không vi phạm luật giao thông, đèn tín hiệu báo có tàu phải dừng lại và giảng giải cho con ngay tại lúc đó.
Một khi các cấp, ngành cùng vào cuộc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cộng với ý thức của người dân khi tham gia giao thông thì tình hình tai nạn giao thông nói chung và tai nạn đường sắt nói riêng sẽ giảm.
Đừng biến những nút giao thông giữa đường sắt và đường bộ thành những “điểm đen” về tai nạn giao thông, ám ảnh mọi người.
LÊ VĂN HÙNG (TP Tuy Hòa)