Thời gian qua, chính quyền các cấp đã nỗ lực tuyên truyền; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã được ban hành cùng các quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Tuy nhiên trên thực tế, việc xử phạt chưa nghiêm, nên nhiều nơi “Cấm hút thuốc lá” vẫn chỉ là biển báo.
Giữa tháng 5 vừa qua, chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thăm một người quen đang điều trị tại đây. Khi vừa ra khỏi thang máy lên tầng 6, chúng tôi thấy một người, không rõ là người nhà bệnh nhân hay người đi thăm bệnh đang hút thuốc lá. Khi được nhắc nhở, người này đã tiện tay... ném điếu thuốc hút dở qua cửa sổ. Hành động này khiến những người chứng kiến vô cùng khó chịu, bởi hành lang bệnh viện cũng như khu vực các khoa, phòng đều có biển báo “Cấm hút thuốc lá”.
Ngay ở khu vực gần nhà giữ xe, bệnh viện cũng đã gắn thông báo đề nghị không hút thuốc lá trong bệnh viện để người nhà bệnh nhân hoặc người đến thăm bệnh biết mà thực hiện. Vậy mà vẫn có người vi phạm.
Ngày 31/5 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là Ngày thế giới không hút thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác tại của thuốc lá. Hưởng ứng ngày này, chính phủ nhiều nước đã đề ra nhiều biện pháp nhằm giảm số người hút thuốc lá, góp phần đảm bảo sức khỏe mọi người. Điển hình như Nhật Bản - nước chủ nhà Thế vận hội Olympic 2020 đang cố gắng xây dựng hình ảnh một Tokyo không khói thuốc thông qua dự luật cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng và trong nhà hàng, quán bar, quán cà phê.
Những người vi phạm lệnh cấm sẽ phải nộp phạt 300.000 yen (60 triệu đồng) và chủ nhà hàng hay quán bar vi phạm sẽ bị phạt 500.000 yen (khoảng 100 triệu đồng). Còn tại Singapore, sau một thời gian tham vấn, nước này đã quyết định nâng độ tuổi được phép hút thuốc lá từ 18 lên 21.
Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Theo đó, các địa điểm cấm hút thuốc lá công cộng hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm: bệnh viện, trạm y tế; trường học (trừ trường cao đẳng, học viện); nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: cơ quan, công sở, nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng. Luật cũng cấm hoàn toàn hút thuốc trên máy bay, ô tô, tàu điện. Người nào hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ mẩu, tàu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng... Từ tháng 2/2017, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Chế tài đã có, tuy nhiên thực tế triển khai lại chưa hiệu quả. Theo báo cáo của Bộ Y tế, những con số về thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thấy, hoạt động này mới chỉ diễn ra ở một số địa bàn nhất định, không thường xuyên, kết quả thu được không nhiều. Năm 2015, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 191 triệu đồng. Năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, xử phạt 16 cơ sở với số tiền 136 triệu đồng; 3 tháng đầu năm 2017, Hà Nội phạt 23 đơn vị với số tiền gần 60 triệu đồng.
Tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 62 đơn vị, cơ sở kinh doanh, các khách sạn nhà hàng, cửa hàng bán lẻ thuốc lá, phạt 12 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng. Bộ Công an xử phạt 15 trường hợp, phạt 13,5 triệu đồng. Tổng số tiền phạt trên toàn quốc tính đến cuối năm 2018 chưa đến 500 triệu đồng…
Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút thuốc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người xung quanh và làm ô nhiễm môi trường sống.
Thống kê của ngành Y tế cho thấy, có đến 90% nguyên nhân ung thư phổi liên quan đến thuốc lá. Tỉ lệ người chết liên quan các bệnh do thuốc lá gây ra ngày càng gia tăng. Đã đến lúc những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị giám sát chặt chẽ các trường hợp vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng. Cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc xử lý nghiêm thì mới cấm được hành vi này. Đừng để quy định xử phạt chỉ tồn tại trên giấy. Đừng để “Cấm hút thuốc lá” chỉ là biển báo.
LÊ QUỐC HUY