Chiều 30/4, tôi đến xem triển lãm ảnh cá nhân “Thiên nhiên kỳ thú - Loài bướm” của kiến trúc sư - nhiếp ảnh gia Lê Trọng Cường tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên (15 Độc Lập, phường 7, TP Tuy Hòa). Cả gian trưng bày rộng rãi với gần 100 tác phẩm ảnh nhiều kích cỡ thể hiện vẻ đẹp đa sắc của các loài bướm nhiệt đới Việt Nam nhưng chỉ có mình tôi và một người khác.
Trò chuyện thân mật, mới biết anh tên Lê Đồng Tâm, đến từ phường Tam Hiệp (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Tâm cho biết tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lần đầu tiên anh du lịch xứ “hoa vàng cỏ xanh”, đã đi thăm gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng, Mũi Điện… và rất thích thú. Anh nói nhờ lang thang khắp Quảng trường 1 Tháng 4 chiều nay, ghé vào uống nước mía nên mới “phát hiện” được triển lãm ảnh đang diễn ra tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.
Tâm chia sẻ: Tập hợp ảnh nghệ thuật này đúng là “có một không hai” vì tác giả chụp cận cảnh những con bướm dưới nhiều góc độ khác nhau, với nhiều màu sắc sống động và hấp dẫn, nhất là có một số bức ảnh miêu tả tình yêu của các cặp bướm thật hiếm gặp. Một cái hay của triển lãm là có đặt kèm một tập Phú dành tặng người xem. Trong đó có bài phỏng vấn tác giả Lê Trọng Cường về một số nội dung chung quanh việc chụp ảnh bướm, qua đó giúp người xem hiểu thêm về vẻ đẹp của một loài côn trùng quen mà lạ, về “chuyện bếp núc” của người cầm máy. Nhờ vậy, tôi mới biết là ở Việt Nam mình có đến hơn 100 loài bướm với vòng đời ngắn ngủi mà thú vị. Để chụp ảnh chúng thành công, đòi hỏi người nghệ sĩ nhiếp ảnh phải có nhiều đam mê và không ngừng vượt khó nhiều mặt!
Sau khi “xin” một tờ Phú đăng bài viết nói trên làm tư liệu, chia tay để tối lên xe về lại quê nhà Đồng Nai, anh Tâm trăn trở: Tôi thấy hơi lạ là vì sao một triển lãm độc đáo như thế này mà rất ít người đến xem. Có thể là do nó nằm ở nơi kín đáo quá chăng?
Hỏi thăm anh Dật - làm công tác bảo vệ của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên - thì tình hình đúng là như vậy. Từ sau buổi chiều khai mạc triển lãm (26/4) đến nay, bình quân mỗi ngày chỉ có vài ba người đến xem. Trong đó, đa phần là khách đến uống nước mía, ăn que xiên trước vỉa hè cổng hội, thấy treo băng rôn giới thiệu triển lãm nên bước vào. Cũng theo lời anh Dật, từ trước tới nay, các triển lãm ảnh hay mỹ thuật diễn ra tại trụ sở Hội thường ít có người tới thưởng lãm sau khi khai mạc. Là người trực tiếp trông coi, bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật, làm nhiệm vụ đón khách tham quan, anh cũng thấy buồn…
Việc tổ chức các triển lãm ảnh, triển lãm mỹ thuật thời gian qua là sự cố gắng rất lớn của các tác giả và Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Bởi vì, nó đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư tài năng, ý thức sáng tạo và công sức, tiền của của các nghệ sĩ, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Hội để đưa những đứa con tinh thần có giá trị đến với công chúng. Do đó, tình trạng các triển lãm chưa thu hút được đông đảo người xem cũng rất cần được đặt ra để có cách khắc phục phù hợp.
Có ý kiến nhận định việc mở các triển lãm tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh là không thật phù hợp vì nằm xa trung tâm, rất khó mời gọi người quan tâm đến xem. Ưu điểm nhất là nên tổ chức tại Phòng VH-TT TP Tuy Hòa nằm ở ngã năm Trần Hưng Đạo - Nguyễn Công Trứ - Phan Đình Phùng cho thuận tiện đường đi lối lại. Bên cạnh đó, Hội cần liên hệ, kết hợp để có thể tổ chức triển lãm “di động” với quy mô gọn hơn tại các địa điểm thường đông du khách lui tới như Trung tâm hội nghị - Nhà hàng tiệc cưới PYTOPIA, Khách sạn Sài Gòn - Phú Yên, Khách sạn Công đoàn Phú Yên…
Một vấn đề quan trọng khác cần lưu ý chính là khâu giới thiệu, quảng bá các triển lãm ảnh, triển lãm mỹ thuật lâu nay chưa được chú ý đẩy mạnh, nhất là bước vào mùa du lịch Phú Yên đang bắt đầu “nở nồi” như hiện nay. Do công tác truyền thông, kết nối, chia sẻ thông tin còn hạn chế nên nhiều người chưa biết đến các triển lãm này. Vì vậy, các công ty du lịch trong tỉnh chưa đưa khách đến xem; khách du lịch nơi khác đi lẻ đến Phú Yên cũng “u u minh minh” khi muốn trực tiếp tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương; các trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho thiếu niên ở TP Tuy Hòa và các huyện cũng không biết để đưa các cháu tham quan theo kế hoạch…
Có thể khẳng định rằng, việc linh hoạt thay đổi địa điểm tổ chức các triển lãm ảnh, triển lãm mỹ thuật và công tác truyền thông cho hoạt động này không đơn giản, nếu không nói là khó khăn. Nhưng nếu có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và các đơn vị liên quan thì từng bước có thể thực hiện được. Khi những tác phẩm tranh, tượng, ảnh có giá trị đến được với đông đảo mọi người, sẽ góp phần nâng cao thị hiếu, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng; các nghệ sĩ sẽ bán được tranh, ảnh có thêm thu nhập. Qua đó được động viên, kích thích để tiếp tục hành trình sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác nghệ thuật trên địa bàn tỉnh và có đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật nước nhà.
HOÀNG VÂN KHUÊ