Thứ Hai, 23/09/2024 20:30 CH
Lựa lời mà nói
Thứ Năm, 27/12/2018 10:01 SA

Người xưa có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Trong thực tế, không ai làm hành động này trước mỗi lần phát ngôn nhưng lời dạy trên rõ ràng có ẩn ý rất chuẩn mực là nhắc nhở tất cả chúng ta cần phải thật cẩn trọng khi phát biểu về một vấn đề quan tâm nào đó trong đời sống cũng như khi trao đổi, tranh luận với người khác. Vì sao như vậy? Vì trong cuộc sống, có không ít người đã bị công luận “ném đá” tơi bời chỉ vì không chịu suy nghĩ kỹ càng trước khi nói…

 

Hoa hậu Mỹ Sarah Rose Summers (thứ hai, từ trái sang) đăng ảnh thân thiết với Hoa hậu Việt Nam H’Hen Niê (bìa phải) trên tài khoản Instagram sau khi xin lỗi về phát ngôn gây “vạ miệng” - Ảnh từ Internet

 

Trường hợp gần đây nhất xảy ra tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2018 vừa tổ chức tại Thái Lan. Theo thông tin báo chí và mạng xã hội, trong một video truyền hình trực tiếp trên internet vào ngày 13/12/2018, trong lúc rảnh, Hoa hậu Mỹ Sarah Rose Summers, Hoa hậu Colombia Valeria Morales và Hoa hậu Úc Francesca Hung ngồi “tám” chuyện về các thí sinh khác đang tham dự cuộc thi.

 

Nhận xét về Hoa hậu H’Hen Niê của Việt Nam, Hoa hậu Mỹ Sarah Rose Summers nói: “Cô ấy thật là đáng yêu. Cô ấy giả vờ mình biết tiếng Anh rất tốt và khi bạn hỏi cô ấy một câu hỏi sau khi trò chuyện với cô ấy thì cô ấy chỉ gật đầu và cười”. Sau đó, Summers còn “đế” thêm rằng: “Hoa hậu Campuchia thì không biết nói chút tiếng Anh nào và không một người nào nói cùng ngôn ngữ với cô ấy”…

 

Sau khi phát, đoạn video này đã thu hút hàng ngàn bình luận phẫn nộ từ chính công chúng Mỹ và các nước Campuchia, Thái Lan… Hầu hết các ý kiến của cư dân mạng đều cho rằng Hoa hậu Mỹ Sarah Rose Summers là người có tinh thần kỳ thị và phân biệt chủng tộc. Phát hoảng, Sarah Rose Summers ngay lập tức đăng một đoạn video giải thích rất nhiều lần rằng cô chỉ vô tình nói vậy chứ không có ác ý gì, không muốn “làm ai tổn thương” và công khai xin lỗi các hoa hậu trên Instagram cá nhân.

 

Hoa hậu Việt Nam H’Hen Niê và Hoa hậu Campuchia - hai đối tượng được đề cập - ngay sau đó cũng lên tiếng “đỡ đòn” cho Summers. Tuy nhiên, những nỗ lực của các người đẹp cũng chưa thể “hạ nhiệt” được dư luận. Theo BBC, tài khoản Tinetoy18 trên Instagram khẳng định “Summers không phù hợp với danh hiệu Hoa hậu Hoa Kỳ. Cô xứng đáng được tha thứ nhưng không xứng đáng với chiếc vương miện nữa. Cô ấy không phải là một tấm gương tốt về một người phụ nữ có lòng thấu cảm như đã từng tuyên bố!”.

 

Đó là ở tầm thế giới. Còn ở nước ta, chuyện vô tình “vạ miệng” như trường hợp Hoa hậu Mỹ Sarah Rose Summers không phải là hiếm hoi. Đó là TS Đặng Hoàng Giang (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng) với câu nói “Nếu mang quần áo dưới xuôi lên miền núi tặng cho người nghèo, lâu dần, bản sắc dân tộc vùng cao sẽ bị mất”, MC Tạ Bích Loan (Đài Truyền hình Việt Nam) với các câu hỏi trong chương trình “60 phút mở” có tên “Người ta làm từ thiện vì ai?”…

 

Đặc biệt, năm 2017, cộng đồng mạng đã từng rần rần “dậy sóng” trước phát ngôn của TS Đoàn Hương, giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ngày 28/11/2017, tham gia chương trình Café Sáng của VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam), khi bàn luận chung quanh đề xuất cải tiến chữ viết - một sáng kiến đang gây tranh luận nhiều chiều trên mạng xã hội và báo chí mà đa phần là phản đối - của PGS.TS Bùi Hiền, TS Đoàn Hương đã nói: “Khi một ý tưởng mới ra đời, trước hết phải suy ngẫm, nhìn nhận nó bằng con mắt khoa học. Đây là một công trình khoa học cho nên phải có ý kiến của các nhà khoa học chứ không phải là một đám quần chúng không hiểu gì cả cứ lao vào ném đá…”.

 

Chính cụm từ “đám quần chúng không hiểu gì” đã làm cho cộng đồng mạng nổi giận và Facebook tràn ngập những lời phê phán, lên án bà Đoàn Hương với nhiều cấp độ khác nhau! Thậm chí, GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) đã trả lời phỏng vấn Báo Lao Động với sự bức xúc “Cô ấy là học trò của tôi. Nói chung đó là một người tốt, có tài nhưng không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình. Tôi nhớ, trong một chương trình “Giai điệu tự hào”, cô ấy đã so sánh âm nhạc của Trịnh Công Sơn giống như quả bom được đặt vào tim và nổ tung. Có lần cô ấy lại ví một nhà xuất bản là nhà hậu sinh. Như thế là quá cường điệu, khập khiễng. Vận dụng lối nói quá để tạo ra sự sắc sảo là quyền của cô ấy. Nhưng không thể chấp nhận chuyện gọi dư luận là đám quần chúng!”.

 

Theo nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, trong thời buổi “lên ngôi” của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội như hiện nay, vấn đề phát ngôn của mỗi cá nhân cần phải thận trọng hơn bao giờ hết. Trước các vấn đề mà công luận quan tâm - nhất là đối với những sự việc nhạy cảm, những cá nhân là người của công chúng - nếu thể hiện các ý kiến thiếu chín chắn, gây sốc là sẽ bị “ném đá” tức thì với tốc độ lây lan rất chóng mặt. Vì thế, việc “uốn lưỡi bảy lần” khi bày tỏ chính kiến là điều không bao giờ thừa. Nói năng không xúc phạm, không gây tổn thương, không “đụng chạm” đến giới tính, tôn giáo… của người khác cũng chính là góp phần thiết thực xây dựng văn hóa đối thoại lành mạnh, văn minh trên mạng và trong đời sống xã hội vậy.

 

HOÀNG VÂN KHUÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek