Rác thải đang là tác nhân gây ô nhiễm môi trường sống của con người. Trong khi rác hữu cơ dễ phân hủy thì rác vô cơ lại có thời gian phân hủy chậm, ảnh hưởng xấu đến mẹ thiên nhiên. Các nhà máy rác tại Việt Nam lại đang đau đầu với chất thải rắn, rác vô cơ, rác điện tử… Vậy cách tốt nhất là chúng ta phải biến rác vô cơ thành đồ vật hữu ích.
Vài lần lên TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tôi bắt gặp nhiều chậu hoa hết sức thú vị. Đó là những chai nhựa bỏ đi, được gia chủ tỉ mẩn cắt thành chậu với những kiểu dáng khác nhau để trồng những loại hoa ít hút đất, loại dây leo... Có nhiều gia đình “huy động” rất nhiều chai nhựa làm chậu treo hoa trông rất thẩm mỹ và thân thiện với môi trường sống. Nhìn những chậu hoa đong đưa trước hàng rào, bên hiên nhà, ban công làm cho du khách mê đắm, phải lia vài bức ảnh cho bằng được.
Ở nhiều làng quê vùng đồng bằng, người ta tận dụng các bao ni lông đã qua sử dụng để đựng đất làm bờ kè đê bao. Trên các vườn ổi, vườn xoài đang cho trái non, để tránh côn trùng phá hoại làm trái cây xấu vỏ, hư ruột, nông dân tỉ mẩn dùng các bao ni lông bọc chặt quả lại. Sau khi đã thu hoạch quả, những bao ni lông ấy sẽ được tháo ra và dùng tiếp ở nhiều vụ sau.
Những vỏ lon bia ngoài việc tái chế còn có thể làm những món quà trung thu, giáng sinh, quà lưu niệm ý nghĩa. Điện thoại khi đã không còn sử dụng có thể làm công cụ thực tập cho những học sinh đam mê nghiên cứu, hay tạo tác phẩm nghệ thuật.
Một vài ví dụ minh họa để thấy rằng, những loại rác vô cơ có thể rất hữu ích, nếu như chúng ta biết cách sử dụng đúng hoàn cảnh, mục đích. Để làm được điều này thì trước tiên chúng ta phải là những người yêu môi trường, đặt rác đúng nơi quy định, chịu khó phân loại rác và luôn ý thức tiết kiệm đồ vật. Việc phạt tiền đối với những hành vi vứt rác bừa bãi là điều nên làm, nhưng song song với đó thì chính quyền địa phương cũng nên tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống. Môi trường có xanh - sạch - đẹp hay không đều do ở con người chúng ta mà ra.
NGUYỄN TẤN QUỐC