Ngày 24/12/2009, Chính phủ ban hành Quyết định 2190/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó cảng Vũng Rô là một cảng biển tổng hợp địa phương và chuyên dụng (cảng loại 2) của Việt Nam. Vũng Rô sâu 21m, có núi Đá Bia và dãy Đại Lãnh bao bọc, che chắn gió từ hướng đông bắc, có điều kiện tự nhiên lý tưởng, có thể tiếp nhận tàu biển có trọng tải 10.000 DWT.
Ngược dòng lịch sử năm 1964, Tỉnh ủy Phú Yên bí mật táo bạo mở bến Vũng Rô để tiếp nhận những con tàu Không số từ hậu phương lớn chi viện vũ khí cho chiến trường Phú Yên - Tây Nguyên vào Nam Trung Bộ bằng đường biển. 4 chiếc tàu Không số đã cập cảng Vũng Rô từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965 thì bị lộ, tạo một cơn chấn động cho đối phương mà người Mỹ gọi là “Sự kiện Vũng Rô”.
Năm 1966, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng Vũng Rô là cảng quân sự trong tổng thể khu căn cứ liên hợp Vũng Rô - Đông Tác, là nơi cập tàu dầu và các loại khí tài cung cấp cho sân bay quân sự Đông Tác.
Vũng Rô là một trong ba địa điểm có điều kiện tự nhiên tốt nhất ở Việt Nam (Vũng Rô, Vân Phong và Cam Ranh) để xây dựng cảng biển lớn phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu với thế giới. Nhằm khai thác lợi thế cảng biển Vũng Rô, Cảng Hàng không Tuy Hòa (sân bay Đông Tác) và ga hàng hóa đường sắt Đông Tác, Khu Kinh tế Nam Phú Yên được thành lập, đã và đang khởi động, hứa hẹn nhiều khởi sắc.
Vũng Rô tiếp giáp với vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), có diện tích 16,4km2 mặt nước được 3 dãy núi cao che chắn là Đại Lãnh - Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà bao bọc từ 3 phía bắc, đông, tây. Phía nam là đảo Hòn Nưa cao 105m, có ngọn hải đăng song hành với hải đăng mũi Đại Lãnh ở phía đông Vũng Rô.
Năm 1994, Quốc hội chính thức giao Vũng Rô và cảng Vũng Rô cho Phú Yên quản lý khai thác. 24 năm qua, tỉnh đã nỗ lực đầu tư xây dựng cảng Vũng Rô và thành lập Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô để quản lý, khai thác, phát huy lợi thế cảng biển Vũng Rô trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Phú Yên.
Hiện tại, lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Rô hàng năm khoảng 500.000 tấn, chủ yếu là các mặt hàng xây dựng như xi măng, sắt thép.
Là cảng chuyên dùng, tổng hợp, cảng Vũng Rô cần tham gia tích cực hơn vào các hoạt động phát triển du lịch địa phương; khơi thông, chào mời nhiều nguồn hàng từ các địa phương bạn.
Vũng Rô đủ rộng lớn để cùng lúc tiếp nhận nhiều dự án, mà trọng tâm là du lịch cao cấp để tạo dấu mốc lịch sử, tạo động lực phát triển mới cho vùng kinh tế Nam Phú Yên và cả tỉnh. Mơ ước về Vũng Rô và cảng Vũng Rô hiện đại là ước mơ chung của đại đa số người dân Phú Yên.
HỒNG LOAN
(phường 9, TP Tuy Hòa)