Tài khoản Facebook (https://www.facebook.com/tuyetdieu.phongvien.9) của bà Trần Thị Tuyết Diệu đã đăng rất nhiều nội dung nói xấu cán bộ lãnh đạo và người dân Việt Nam, cổ súy đa nguyên đa đảng... Đây là sự manh động, ngông cuồng của kẻ núp bóng dưới chiêu bài “dân chủ” để chống phá Đảng, Nhà nước. Do vậy, ngành chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hiện nước ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hiến pháp năm 2013 dành hẳn Chương II nêu rõ quyền con người và quyền công dân Việt Nam, qua đó phản ánh được tính chất dân chủ trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, bảo vệ quyền con người…
Và chúng ta mãi mãi khắc ghi sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ; chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh… đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Vậy mà trên Facebook của mình, Trần Thị Tuyết Diệu đã phủ nhận những hy sinh mất mát, những thành quả của cả dân tộc ta trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước: “Với suy nghĩ hẹp hòi chỉ vì bản thân mình trước đã khiến cho người Việt biết và hiểu khái niệm “yêu Tổ quốc” đơn giản là khi có giặc tới thì cầm súng ống gậy gộc có gì dùng nấy xông pha “Giết hoặc bị Giết” không cần biết cái chết của ta có ý nghĩa gì với ta với Tổ quốc”.
Hay miệt thị nhân dân Việt Nam: “…Người Việt từ xưa lắc chủ yếu thiết lập giá trị bản thân chỉ dừng lại ở ý thức thiết lập và gìn giữ mối quan hệ gia đình. Yếu tố cộng đồng là thứ yếu. Khái niệm Tổ quốc gần như không nghĩ tới”. “…Vì gia đình, người Việt có thể sống cúi đầu lầm lũi, sống lươn lẹo luồn lách, thậm chí là đạp lên người khác để tìm kiếm cơ hội. Lối sống đó đã thành tập tính xấu được mặc định và chấp nhận khi làm người Việt Nam. Lối sống ích kỷ chỉ biết tới bản thân đã gây nên sự đói nghèo và tụt hậu thảm hại của người Việt…”.
Đáng chú ý, Trần Thị Tuyết Diệu núp dưới vỏ bọc gọi là “dân chủ” để chống phá Đảng ta: “Người Việt chưa bao giờ có may mắn sống trong một xã hội dân chủ (chính quyền được hình thành từ lá phiếu bầu của dân)” và cổ súy đa đảng.
Trần Thị Tuyết Diệu còn rêu rao, tự xưng: “Tôi là nhà báo, tôi viết báo là chuyện tự nhiên không có gì đáng nói. Tôi có quyền tự do tư tưởng (tự do suy nghĩ), tự do biểu đạt suy nghĩ, tự do báo chí, tự do ngôn luận”. Thực tế, bà Trần Thị Tuyết Diệu đã bị thu hồi thẻ nhà báo, không có tên trong làng báo Việt Nam.
Trên Facebook, bạn Nguyễn Nhật Hoài đã phản bác lại những luận điệu của Trần Thị Tuyết Diệu: “Chị bảo chúng tôi khủng bố gia đình chị, vậy sao lúc tôi đến tận nhà chị không dám ra đối diện để nói chuyện, làm dân chủ mà núp trong phòng nhà chị, ngay cả xóm làng chị có gần gũi chưa? Dân chủ kiểu tự kỷ của chị thì đầy, luôn cho mình cấp tiến, luôn chê bai người khác, còn dân mình, chị đã làm được gì cho họ chưa???... Chị luôn hô hào dân chủ, nhưng chị đã đi ra ngoài nhìn người dân sống ra sao chưa? Bất kỳ đất nước nào mà không có bất cập. Cứ cho là Việt Nam tệ nhất đi. Vậy chị làm gì để đất nước phát triển hơn???”.
“Mỗi người một tư tưởng, tôi vô cùng hoan nghênh tư tưởng chống tham nhũng, xấu xa của xã hội, nhưng chị lúc nào cũng vơ những sai lầm cá nhân đè lên tất cả theo kiểu “vơ đũa cả nắm” thì đủ thấy con người chị như thế nào rồi. Chị luôn cho mình không sợ sệt, vậy mà người ta đến tận nhà vẫn không dám đối mặt, đó là hèn nhát…”, bạn Nguyễn Nhật Hoài viết.
Thực tế, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ ra: Bốn nguy cơ vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp hơn, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc trong xã hội, bất bình trong nhân dân.
Và Đảng ta đã và đang nỗ lực khắc phục, quyết tâm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ bằng những phương pháp mới, cách làm thiết thực, hiệu quả.
Đồng thời tin tưởng chắc chắn rằng, dân tộc ta - một dân tộc có truyền thống kiên cường, bất khuất, có trí tuệ, bản lĩnh, đã từng làm nên những chiến công hiển hách, nhất định sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam đạt được những giá trị bền vững “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Tôi đồng cảm với quan điểm của bạn Nguyễn Nhật Hoài khi phản bác cái gọi là “dân chủ” của Trần Thị Tuyết Diệu: “Chị luôn hô hào dân chủ, nhưng chị đã đi ra ngoài nhìn người dân sống ra sao chưa?... Chị làm gì để đất nước phát triển hơn???”.
Có thể nói rằng, trách nhiệm xã hội được coi là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân trong việc giải quyết vấn đề chung, được thể hiện qua sự tôn trọng luật pháp, trách nhiệm với môi trường sống, trách nhiệm trong mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng…
Trần Thị Tuyết Diệu cho rằng: “Mỗi người đều khẳng định giá trị bản thân từ 3 mối quan hệ gia đình, cộng đồng và Tổ quốc”. Vậy vì sao bà lại hèn nhát không dám đối mặt với xã hội, với việc làm của mình!
Karl Max đã từng nói: “trong tính hiện thực của nó bản chất con người là tổng hòa những “quan hệ xã hội”. Vì vậy, mỗi cá nhân sẽ tự điều chỉnh bản thân mình theo hướng hoạt động có trách nhiệm, làm cho hoạt động của mình phù hợp với các lợi ích của xã hội, biết lựa chọn đúng sai, nhận thức được cái nên làm, làm theo lẽ phải, làm vì sự phát triển chung của cả cộng đồng. Khi mỗi người có trách nhiệm đạo đức, thực hiện và hoàn thành trách nhiệm đạo đức sẽ đem lại hạnh phúc cho người khác và nhất là cho chính bản thân mình.
Bà Trần Thị Tuyết Diệu nên hiểu rằng, thực hiện trách nhiệm xã hội đòi hỏi mỗi con người cần phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích bản thân, tôn trọng những chuẩn mực đạo đức, danh dự, tự giác tuân thủ pháp luật; thực hiện nghĩa vụ đối với các mối quan hệ xung quanh mình để không xâm hại đến lợi ích của xã hội cũng như của các cá nhân khác!
NGUYÊN LƯU