Thứ Hai, 23/12/2024 22:31 CH
Đưa hàng Việt về nông thôn nhiều hơn
Thứ Năm, 25/10/2018 08:01 SA

Hiện nay, ở vùng nông thôn, đa số hàng hóa tiêu dùng đến từ Trung Quốc. Các loại quần áo, giày dép, trái cây, điện tử… có mẫu mã đẹp, giá rẻ, phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn nhưng không rõ tên doanh nghiệp, không hạn sử dụng được bày bán tràn lan.

 

Trong khi đó, hàng Việt cứ mãi chật vật với khu vực thị thành trước sự cạnh tranh khốc liệt của các nhãn hiệu đến từ châu Âu, Mỹ mà quên mất khu vực nông thôn. Đây là một thiếu sót vô cùng lớn của các doanh nghiệp Việt. Hiện nay, nhiều người cho rằng, nông thôn không phải là thị trường tiềm năng. Ngược lại, đó là một thị trường lý tưởng để hàng Việt vực dậy vị thế của mình trong lòng người tiêu dùng. Để hàng hóa sản xuất trong nước đến được với người dân nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, thì doanh nghiệp phải chủ động, tích cực nhiều hơn.

 

Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, trước hết, các doanh nghiệp nên phối hợp với các cơ quan, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nông thôn thấy được các ưu điểm nổi trội của hàng hóa Việt Nam so với hàng nhập khẩu. Tuyên truyền, vận động người Việt dùng hàng Việt không có nghĩa là chúng ta đóng cửa, “bài ngoại”, mà phải coi hàng hóa nước ngoài là đối thủ cạnh tranh để các nhà sản xuất trong nước cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, kiểu dáng, giảm giá thành để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn.

 

Các doanh nghiệp phải chủ động, tích cực xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa đến tận các vùng nông thôn, tổ chức nhiều hơn nữa các buổi bán hàng lưu động, bán hàng khuyến mãi, mở các đại lý bán hàng ở nông thôn… Để xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt thực sự vững chắc ở khu vực này, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Thêm nữa, công tác PR (quan hệ công chúng) cần được đẩy mạnh hơn nữa để hàng Việt vươn cao, vươn xa.

 

Đưa hàng Việt về nông thôn không có nghĩa là doanh nghiệp lợi dụng thị trường nông thôn, sự ít hiểu biết của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao để đưa hàng kém chất lượng, sắp hết hạn sử dụng, hay đã lỗi mốt… về tiêu thụ. Vì vậy rất cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý thị trường ở địa phương. Bản thân các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm để cải thiện, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.

 

Ngoài ra cần chú trọng khâu hậu mãi, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luôn lắng nghe sự đóng góp ý kiến của người tiêu dùng vùng nông thôn để càng ngày hoàn thiện sản phẩm. Việc sản xuất hàng hóa đạt chất lượng không những có lợi cho một cá nhân mà còn tạo hiệu ứng tích cực, tạo uy tín về hàng Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nông thôn lẫn thành thị, thậm chí vươn xa tầm quốc tế.

 

TRẦN THÁI HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek