Báo Phú Yên nhận được đơn khiếu nại của một số hộ dân và các tiểu thương buôn bán tại chợ Yến thuộc các thôn Nhơn Hội, Hội Sơn (xã An Hòa, huyện Tuy An) về việc không đồng tình di dời chợ Yến đến chợ mới Yến - An Hòa tại thôn Tân An cùng xã.
Theo thông báo trên đài truyền thanh xã là ngày 6/9/2018, tất cả những người buôn bán nhỏ, lẻ tại chợ Yến đều di dời đến chợ mới Yến - An Hòa, cách chợ Yến cũ khoảng 350m. Tuy nhiên, địa điểm chợ mới không thuộc thôn Nhơn Hội - Hội Sơn và không thuận tiện cho việc kinh doanh, đi lại của bà con.
Các tiểu thương tại chợ Yến và bà con thôn Nhơn Hội và Hội Sơn không đồng tình với cách làm việc của chính quyền địa phương, trước khi có quy hoạch xây dựng chợ mới Yến - An Hòa, UBND xã An Hòa đã không mở cuộc họp nào công khai để lấy ý kiến hoặc lắng nghe nguyện vọng của bà con. Chỉ đến khi xây xong chợ mới Yến - An Hòa thì xã mới ra thông báo di dời.
Bà Trần Thị Bé, tiểu thương chợ Yến, bức xúc: “Chúng tôi buôn bán ở đây cả chục năm rồi và cũng đã quen với cuộc sống, tập quán của bà con nơi đây. Giờ bảo chuyển lên chợ mới Yến - An Hòa, chúng tôi sẽ rất bỡ ngỡ, phải bắt đầu lại từ đầu, thật khó khăn”.
Cũng bức xúc không kém, bà Lê Thị Sanh, buôn bán nhỏ ở chợ Yến, nói: “Chợ Yến đã có từ xưa, được xây dựng lại từ năm 1994 cho đến nay. Nếu nói chợ xuống cấp, không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy thì tại sao UBND xã không huy động kinh phí để sửa chữa? Tôi thấy so với chợ ở các thôn Phú Thường, Diêm Hội, Tân Hòa…, chợ Yến vẫn tốt hơn nhiều.
Trong khi đó, tiền tháo dỡ di dời, tiền đóng mặt bằng, sửa sang sạp rất tốn kém, tôi không đủ khả năng tham gia”. Ông Phạm Đình Khắc ở thôn Nhơn Hội cho biết: “Chợ Yến là chợ truyền thống bao đời nay của hai thôn Nhơn Hội - Hội Sơn nên bà con muốn giữ lại.
Bởi theo quan niệm của họ, “chợ tan thì làng mạt”, nếu chợ xuống cấp thì chúng tôi sẵn sàng vận động các tiểu thương, người dân đóng góp để nâng cấp và sắp xếp lại cho phù hợp hơn. Nếu tiểu thương nào có đủ điều kiện thì chuyển lên buôn bán ở chợ mới, những người buôn bán nhỏ lẻ như chúng tôi xin ở lại chợ cũ tiếp tục buôn bán để mưu sinh”.
Chợ Yến đã có từ nhiều thập kỷ trước thuộc hai thôn Nhơn Hội - Hội Sơn với diện tích hơn 1.920m2, phía đông giáp đường liên thôn Nhơn Hội - Hội Sơn, phía tây giáp đường nội bộ khu dân cư, phía nam giáp đường đi và nhà ở khu dân cư, phía bắc giáp đường liên thôn. Năm 1994, UBND xã An Hòa đã nâng cấp, xây dựng lại chợ Yến gồm: một nhà chợ chính với diện tích 410,6m2 và 19 ki ốt xung quanh chợ để phục vụ việc buôn bán của người dân trên địa bàn cho đến nay.
Chợ mới Yến - An Hòa, thôn Tân An đã xây xong rất khang trang nhưng người dân chưa chịu đến họp chợ - Ảnh: KHÔI NGUYÊN |
Từ khi có thông báo của UBND xã An Hòa cho di dời chợ Yến đến chợ Yến - An Hòa, các tiểu thương tại chợ Yến nhất quyết không chuyển đến khu chợ mới vì cho rằng không thuận lợi để buôn bán… Theo các tiểu thương, kinh phí bồi thường, hỗ trợ quá trình giải tỏa không đủ bù cho việc chuyển đến chỗ mới…
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Tấn Lai, Trưởng thôn Nhơn Hội, cho biết: Chỉ có một số cá nhân không đồng tình di dời chợ vì quyền lợi cá nhân. Tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn theo tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay, chợ Yến cũ đã xuống cấp, chật hẹp, không có nhà giữ xe nên bà con đi chợ đều dựng xe trên lòng lề đường, gây ách tắc giao thông, nhất là ngày rằm, lễ, Tết. Mỗi lần như vậy, chúng tôi phải phối hợp với Mặt trận, phụ nữ thôn… đến từng khu vực chợ nhắc nhở, dắt xe của bà con và ổn định trật tự rất vất vả. Vấn đề tôi không an tâm là phòng chống cháy nổ.
Năm 2017 đã xảy ra vụ cháy nổ ở ki ốt hàng điện tử do chập điện. Nhờ chữa cháy kịp thời nên không thiệt hại nhiều. “Thôn Nhơn Hội chưa có công viên cây xanh. Sau khi bà con chuyển sang chợ mới Yến - An Hòa, diện tích chợ Yến cũ sẽ được làm khuôn viên cây xanh, góp phần tạo cảnh quan môi trường, giãn bớt mật độ lưu thông các phương tiện giao thông, tạo nơi vui chơi giải trí cộng đồng, phục vụ dân sinh”, ông Lai cho biết thêm.
Ông Trần Sáu, Chủ tịch UBND xã An Hòa, thông tin: Năm 2007, cử tri có kiến nghị chợ Yến (thôn Nhơn Hội - Hội Sơn) quá tải, chật hẹp, gây ách tắc giao thông; chính quyền nên tìm quỹ đất rộng để xây dựng chợ mới rộng rãi hơn. Từ đó, UBND xã xin chủ trương cấp ủy, trình HĐND xã An Hòa. Năm 2011, UBND xã An Hòa lập đề án xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia (trong đó có tiêu chí chợ).
UBND xã đã tổ chức lấy ý kiến từng thôn về đề án xây dựng nông thôn mới; nhân dân trên địa bàn xã đã thống nhất theo nội dung đề án (có quy hoạch và xây dựng mới chợ Yến) và đã được thông qua HĐND xã tại kỳ họp cuối năm 2011. Đồng thời, đề án đã được UBND huyện Tuy An phê duyệt, sau đó được lập thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình.
Năm 2015 chính thức triển khai xây dựng chợ mới Yến - An Hòa với diện tích 3.387m2 với các hạng mục: chợ chính, các ki ốt xung quanh, bê tông nền, vòm hai bên chợ, nhà vệ sinh, hệ thống rút nước thải và ban quản lý chợ với tổng kinh phí là 5,7 tỉ đồng.
Tháng 6/2018, chợ mới Yến - An Hòa được hoàn thành. UBND xã An Hòa có tờ trình di dời chợ và có công văn thống nhất cho di dời chợ. UBND xã lập phương án di dời cùng phối hợp với Mặt trận, Hội Phụ nữ, các đoàn thể của thôn đi vận động tiểu thương di dời đến chợ mới nhưng một số chưa đồng tình.
Ngày 2/8/2018, UBND xã nhận đơn trình bày và kiến nghị của 56 hộ dân và hộ buôn bán nhỏ (ủy quyền cho 5 hộ trực tiếp) với đề nghị không di dời chợ. Chiều 9/8/2018, UBND xã đã mời đại diện các tiểu thương và hộ dân đến UBND xã làm việc. UBND xã giải thích, vận động và làm rõ một số vấn đề liên quan đến chợ Yến mà các hộ tiểu thương còn vướng mắc. Tuy nhiên các hộ không thống nhất và đề nghị tổ chức họp rộng rãi lấy ý kiến nhân dân ở hai thôn Nhơn Hội - Hội Sơn. Ngày 11/9/2018, UBND xã An Hòa phối hợp với UBND huyện Tuy An và các ban ngành có liên quan tổ chức đối thoại với bà con hai thôn nhưng người dân không thống nhất di dời chợ Yến cũ.
Trước mắt, UBND huyện Tuy An chỉ đạo tạm dừng không di dời chợ. UBND xã tiếp tục vận động, giải thích để các tiểu thương đồng tình di dời đến chợ mới để đảm bảo vệ sinh môi trường, giao thông, đặc biệt là phòng chống cháy nổ. UBND xã sẽ xây dựng phương án trình UBND huyện giảm 3 tháng không thu tiền chỗ ngồi cho bà con tiểu thương, miễn giảm 50% năm đầu cho người trúng thầu”.
PHÒNG BẠN ĐỌC