Nền văn hóa Việt Nam của chúng ta là văn hóa lúa nước, văn hóa nông nghiệp, và đất luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với mọi người dân. Vì vậy, ông bà ta thường ví “tấc đất tấc vàng” để nói về tầm quan trọng của đất. Sự so sánh tinh tế đó khẳng định giá trị đặc biệt của đất đai, đồng thời nhắc nhở mọi người phải biết quý trọng và sử dụng hiệu quả loại tài nguyên đặc biệt này:
Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
Đất cũng chính là tài nguyên vô giá của quốc gia. Trong lòng đất có chứa nguồn nước và các loại khoáng sản quý. Suy rộng ra, đất cũng chính là giang sơn của Tổ quốc, trải qua bao đời, ông cha ta đã đổ bao máu xương để dựng xây, gìn giữ. Vì vậy, không chỉ “tấc đất tấc vàng” mà cũng có thể nói đất quý hơn vàng.
Ngày nay, diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp để dành cho các công trình, nhà máy mọc lên và phục vụ nhu cầu “an cư lạc nghiệp” thì đất càng có giá trị cao hơn, nhất là đất ở đô thị. Tuy nhiên có một nghịch lý là trong khi cơn “sốt” đất đang len lỏi ở hầu khắp các nơi, đặc biệt là khu vực đô thị ven biển, thì hiện có không ít dự án, khu đất giữa lòng TP Tuy Hòa bị bỏ hoang hàng chục năm qua. Chỉ cần dạo qua một vòng các tuyến đường gần với bờ biển như: Độc Lập, Trần Phú, Lý Tự Trọng, Hùng Vương… thì sẽ thấy rất rõ điều này. Trong đó có dự án được cấp đất với diện tích nhiều hecta để xây dựng khách sạn, nhà hàng, phát triển du lịch… nhưng chỉ xây dựng một phần để giữ đất; có dự án đất được cấp để xây trụ sở cơ quan nhà nước, nhưng mấy chục năm rồi không thấy khởi công, trừ cái tường rào đã mục nát, bên trong cỏ mọc um tùm. Những khoảng trống này vô tình biến thành nơi tập trung của các loại rác thải, nhìn vào rất phản cảm, vừa lãng phí, vừa góp phần làm cho bộ mặt đô thị xấu xí trong mắt du khách và mọi người.
Theo nhiều người am hiểu tình hình, lĩnh vực đất đai, sở dĩ có tình trạng đất bị bỏ hoang như hiện nay ở khu vực ven biển TP Tuy Hòa là vì nhà đầu tư hay chủ đầu tư có kinh nghiệm không nhiều, nên dẫn đến đưa ra dự án không đúng thời điểm và trở thành “dự án chết”, đất bị bỏ hoang. Tình trạng đất bỏ hoang còn do chủ đầu tư chỉ nhăm nhe xin đất, đua vẽ dự án để sang nhượng kiếm lời, người mua phần nhiều là nhà đầu tư “lướt sóng”, nên mới có tình trạng bỏ ngỏ. Còn các dự án, đất được cấp cho sở, ngành để xây trụ sở làm việc, vì ỷ lại đất nhà nước, cơ quan nhà nước không ai đụng đến nên “treo” dự án. Trong khi đó, cơ quan quản lý không quản được tiến độ, kế hoạch xây dựng từng công trình, từng khu vực cụ thể nên đất bị bỏ hoang.
Qua tìm hiểu được biết, hầu hết dự án lớn của tỉnh sử dụng vốn hỗ trợ của Trung ương. Riêng trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 2016-2020, Trung ương chỉ bố trí hơn 57% so với nhu cầu của các dự án, nên khó khăn trong việc triển khai. Bên cạnh đó, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, chưa bố trí kịp thời phần vốn theo tỉ lệ cơ cấu trong tổng mức đầu tư của dự án. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án nên đã chấm dứt hoạt động; tiến độ triển khai thực hiện đầu tư không đảm bảo…
“Tấc đất tấc vàng” và hơn thế nữa. Ngoài việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các dự án sớm triển khai và đi vào hoạt động, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần rà soát năng lực của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; kiên quyết thu hồi các dự án mà nhà đầu tư chưa tích cực triển khai thực hiện hoặc năng lực tài chính, kinh nghiệm không đảm bảo, nhường chỗ cho các nhà đầu tư tiềm năng khác. Với các dự án, diện tích đất đã giao cho các sở, ngành để xây dựng trụ sở làm việc vẫn còn “treo” thì cần bố trí vốnđể khởi công xây dựng ngay. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh tay để tránh tình trạng giới đầu cơ thổi giá và không quản lý chặt tiến độ dự án, thì nghịch lý sốt đất nền, trong khi đất bị bỏ hoang sẽ còn tiếp diễn.
PHAN TAM (phường 9, TP Tuy Hòa)