Vừa rồi, trên đoạn đường nằm phía sau Vincom Tuy Hòa chạy dài tới cơ sở đang xây mới của Trường đại học Phú Yên (TP Tuy Hòa), tôi gặp hai mẹ con nọ đang đi bộ cùng chiều.
Có lẽ do lúc trời rạng sáng, đường vắng, ít xe máy, ô tô qua lại, nên cậu bé không đi sát lề như mẹ mà tung tăng bước giữa đường. Lúc ấy có một thanh niên tắm biển về đi ngược chiều thấy vậy, nói to: Đi sát vô lề cho an toàn cháu à! Nghe vậy, người mẹ nhìn anh này với ánh mắt “mang hình viên đạn” và bực dọc trả lời: Con tui muốn đi như thế nào là quyền của nó, mắc mớ chi đến ông? Nhiều chuyện quá! Anh thanh niên tỏ vẻ lúng túng. Thấy vậy, tôi chen vào: Chú ấy nói đúng đó, cháu lên lề mà đi. Lỡ có người chạy xe ẩu thì mình vẫn an toàn. Nghe tôi góp lời, người mẹ nhìn sang. Tôi cũng “đấu nhãn” lại với vẻ mặt lạnh như tiền. Hình như cảm thấy mình không phải và nhận ra tôi là người cao tuổi nên chị này vội lôi con vào sát đường rồi im lặng kéo nhau đi…
Là người thường di chuyển trên đường Trần Phú đoạn từ đường Hùng Vương (phường 7, TP Tuy Hòa) chạy thẳng xuống biển, không ít lần tôi bắt gặp cảnh nhìn rất “gai mắt”. Đó là có những cặp đôi người lớn đi tắm biển buổi sáng thường chạy xe máy mà trên đầu không đội mũ bảo hiểm, trong đó có người rành rành là cán bộ, công chức hẳn hoi! Nhìn kỹ thì trên xe có mắc mũ bảo hiểm nhưng chắc họ để đầu trống trơn như vậy cho mát chăng? Rồi những bà mẹ, ông bố chở con đi, về tắm biển bằng xe máy cũng để đầu trần, xem như là điều rất bình thường. Tôi cho rằng hôm nào Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Tuy Hòa mà bố trí lực lượng theo dõi (cả đầu buổi sáng hay cuối buổi chiều) thì hôm đó cũng xử phạt được ít nhất hai xe vi phạm an toàn giao thông theo kiểu này.
Đọc báo, xem tivi rồi quan sát trong cuộc sống thường nhật, có thể nói rằng những người như tôi vừa kể trên đâu có hiếm gặp. Đó là những ông bố ăn nói không chuẩn mực hoặc vô tư chửi thề trước mặt con cái trong nhà. Đó là bà mẹ khi đi siêu thị luôn gắng sức chen lấn tranh giành hàng khuyến mãi hay “trổ tài” ăn cắp vặt ngay trước mắt con. Nếu con có thắc mắc và lên tiếng thì gạt phắt đi: Mày còn bé thì biết gì mà nói, cứ đòi “trứng khôn hơn vịt”. Nói gì thì nói, đây chính là những ông bố bà mẹ, sống vô cảm, dối trá, lời nói không đi đôi với việc làm… và tôi gọi đây là những người lớn mà chưa chịu “lớn” là vậy!
Rõ ràng, những người lớn mà chưa chịu “lớn” này chính là gương xấu cho sự phát triển nhân cách của trẻ trong gia đình. Hàng ngày chứng kiến những hành vi sai trái của bố mẹ, con trẻ nào có nhận thức tốt (do được thầy cô dạy dỗ ở trường) thì lúc đầu sẽ biểu thị thái độ không đồng tình hoặc trực tiếp lên tiếng phản đối. Nhưng trước “sự oai phong lẫm liệt” kèm theo lời lẽ giận dữ của người lớn thì các cháu sẽ dần dần buông xuôi và mặc nhiên chấp nhận, lâu ngày sẽ xem đây là việc thường tình. Như thế, các em sẽ từ từ tiêm nhiễm những thói hư tật xấu như không thèm đội mũ bảo hiểm, không chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông; sẽ quen với thói trộm cắp, thói nói dối, thói vô cảm với những vui buồn của đồng loại… Rõ ràng, những người lớn mà chưa chịu “lớn” này, xét về góc độ nào đó, cũng chính là mối nguy hại tiềm ẩn, vô tình cản trở sự phát triển của một xã hội văn minh và an toàn mà chúng ta đang cố gắng tập trung xây dựng.
Hãy là những người lớn đúng nghĩa trong mọi hành vi ứng xử hàng ngày để xứng đáng là những tấm gương sáng thực sự. Qua đó góp phần giúp con trẻ phát triển lành mạnh, đúng đắn và toàn diện, xứng đáng là những công dân tốt, giỏi và thiện lương của đất nước trong tương lai!
HOÀNG VÂN KHUÊ
(phường 7, TP Tuy Hòa)