Thứ Ba, 24/09/2024 14:18 CH
Ăn quả nhớ người khai khẩn hơn 2.000 mẫu ruộng
Thứ Năm, 12/07/2018 10:14 SA

Tạp chí Trí thức Phú Yên số 57-58 Xuân Mậu Tuất 2018 có bài viết của TS Sử học Đào Nhật Kim và ThS Võ Thị Minh Duyên, trong đó có đoạn: “Trong số những người mộ dân khai khẩn vùng đất phía nam Phú Yên vào những năm cuối thế kỷ XIX thì Lê Trung Lập là nhân vật có nhiều đóng góp nổi bật. Ông đã vận động nhân dân trong vùng tiến hành vỡ hoang, khai khẩn trên 2.000 mẫu ruộng và được triều Nguyễn phong làm chánh tổng. Ông cũng là số ít những nhân vật nổi tiếng ở Phú Yên sau khi mất được phong tặng sắc thần, chuẩn cho làng xã địa phương thờ cúng”.

 

Di ảnh ông Lê Trung Lập

Điều đáng nói là ông đã tự xuất tiền nhà và chiêu mộ dân để khai khẩn những vùng đất hoang vu, nhiều thú dữ thành vùng đất dân cư, hoa màu, đồng ruộng trù phú tồn tại và phát triển cho đến ngày nay như thôn Mỹ Điền, Mỹ Lâm, Mỹ Cảnh (thuộc xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa); Mỹ Thành (thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa). Các thôn còn lại đã qua nhiều lần tách nhập, thay đổi tên gọi như: Đa Nông, Tuy Đa sáp nhập thôn Mỹ Long vào năm 1901 (nay là một phần của thôn Phước Lộc, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa); Mỹ Tường sau năm 1975 sáp nhập với Quảng Tường, lấy tên là thôn Quảng Mỹ (nay thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa); Mỹ Định không còn tên thôn (phần đất thuộc xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa ngày nay).

 

Trong năm 1899, ông Lê Trung Lập thiết lập thêm một thôn nữa là thôn Hội Khánh, nhập vào tổng Hòa Lạc. Sau khi thiết lập thôn Hội Khánh, Lê Trung Lập đưa gia đình về đây sinh sống và phát triển thêm một chi phái họ Lê ở thôn này. Thôn Hội Khánh sau sáp nhập với các thôn Phú Quý, Phú Lạc lấy tên là Phú Khánh. Đây chính là thôn Phú Khánh ở xã Hòa Tân Tây hiện nay.

 

Cùng với hoạt động khẩn hoang, công việc làm thủy lợi cũng được chú trọng. Đó là việc khai đào những mương dẫn nước có tác dụng tưới tiêu. Đặc biệt là những công trình thủy lợi lớn, là những đập ngăn sông suối để đưa nước vào đồng ruộng trong mùa nắng hạn. Những đập lớn còn được lưu tên đến ngày nay như đập Suối Lạnh, đập Bầu Đá, đập Đồng Lau, đập Đồng Tranh, đập Bà Phó… Trong đó, nhiều đập đã được thay thế bằng vật liệu kiên cố và vẫn phát huy hiệu quả sử dụng.

 

Ngày 14 tháng 7 năm Kỷ Mùi (1919), ông Lê Trung Lập già yếu qua đời tại thôn Hội Khánh. Năm Khải Định thứ 9 (1924), ông được triều đình ban sắc phong là Khai canh chi thần, giao cho thôn Hội Khánh phụng sự. Tại các thôn trong tổng Hòa Lộc, nhân dân tôn ông là Tiền hiền khai khẩn và thờ cúng tại các đình làng theo tục “Xuân kỳ thu tế”. Thôn Hội Khánh cũng xây dựng một đình thờ ông tại Núi Một nhưng đã bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh. Việc thờ cúng cũng như các sinh hoạt văn hóa ở các đình làng hầu hết đều chấm dứt từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Có nơi cũng chỉ duy trì được ít lâu sau đó với quy mô thu hẹp dần rồi bỏ hẳn.

 

Ngoài việc thờ cúng ở các đình làng, tại nhà thờ Lê Trung Lập, hàng năm con cháu họ Lê đều tổ chức cúng giỗ ông vào ngày 14 tháng 7 âm lịch. Hoạt động này hiện nay vẫn được duy trì, với sự tham gia của đông đảo các thành viên trong họ tộc. Tuy nhiên, ngôi nhà gắn liền với vườn tược, đất đai đã được đứng tên người được thừa kế và được cấp ổn định, sử dụng lâu dài theo Nghị định 64/CP, cũng vì vậy mà công trình nghiên cứu “Lý lịch di tích nhà thờ Lê Trung Lập xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên” của tác giả Nguyễn Hữu An nhân dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011) nhằm tôn vinh và ghi nhận công lao của các bậc tiền nhân đã có công đóng góp xây dựng tỉnh Phú Yên 400 năm qua chưa được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận và cũng từ đó hậu duệ phải tổ chức giỗ ông tại ngôi mộ của ông ở Núi Một, thôn Phú Khánh.

 

Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, cháu chắt của ông Lê Trung Lập và cư dân xóm Hội Khánh, thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây có nguyện vọng xin một nơi để làm nơi thờ tự, cúng giỗ, và cũng để xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng của xóm, giáo dục con cháu tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công mở mang và xây dựng vùng đất quê hương Tây Hòa.

 

LÊ TRUNG NGHĨA

(xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek