Kết thúc chuyến dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), đi thăm Phong Nha - Kẻ Bàng, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình) để trở về Phú Yên, hôm ấy, nhóm du khách chúng tôi được bác tài đưa đến ăn sáng tại quán phở Hằng (số 130 quốc lộ 9, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Đây chỉ là một quán nhỏ chỉ bán hai món phở và mì bò nhưng để lại cho đoàn ấn tượng thật tốt đẹp.
Nói vậy là vì quán rất sạch sẽ, nhân viên ở đây đều có tác phong phục vụ nhanh nhẹn, xởi lởi với nụ cười luôn nở trên môi dù rất đông khách ra vào. Khi nghe tôi nói “giọng nẫu” xin thêm đĩa giá trụng, một cháu hỏi: Dạ bác ở mô mà con nghe tiếng hơi lạ? - Bác ở TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) ngoài TP Nha Trang khoảng 120km, con à! - Dạ. Bác có dùng chi nữa không ạ? - Như vầy là đủ rồi, cảm ơn con nhé!
Điều đáng chú ý là bên cạnh phong cách phục vụ thân thiện, gần gũi, các tô phở, tô mì còn được nấu phù hợp với khẩu vị và túi tiền của đa số khách bình dân. Cái “khác biệt” của quán phở Hằng so với nhiều quán khác mà tôi đã gặp là giữa quán có treo bảng niêm yết công khai các loại giá để khách chọn lựa, nhất là các phần “thêm” dù là phụ nhưng cũng minh bạch, rõ ràng. Anh bạn tôi cười tủm tỉm: “Tôi đã đi từ Bắc chí Nam gần hết đất nước mình mà chưa thấy quán nào có cái biển đáng yêu như ở đây. Chính nhờ thông báo cụ thể giá cả như vậy nên ai cũng yên tâm dùng bữa mà không phải vừa ăn vừa phập phồng như ở một số quán khác. Không biết các ông nghĩ sao chứ tôi thấy nhân viên phục vụ thân thiện lắm. Nếu quán nào cũng được như thế này thì còn gì bằng”. Sau khi ăn xong, cả nhóm thanh toán tiền cho chủ quán theo đúng giá từng tô đã ghi trên bảng. Các đĩa giá trụng được gọi thêm, quán cũng không tính tiền.
Ngoài ra, ngay phía trước quán phở Hằng còn đặt một tủ bánh mì miễn phí dành cho người nghèo mỗi sángvới dòng chữ “Hãy để dành bánh cho người thực sự cần”. Thỉnh thoảng, có người đến lấy bánh rồi lặng lẽ đi, đó là những lao động nghèo còn vất vả trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Tìm hiểu mới biết thì ra quán phở này không chỉ ân cần, chu đáo đối với khách mà còn là một địa chỉ từ thiện quen thuộc ở TP Đông Hà nữa…
Sở dĩ nói chuyện quán phở Hằng là vì khi vào Google gõ dòng chữ “Nhân viên quán ăn đánh khách”, người viết bài này rất bất ngờ vì chỉ trong0,46 giâyđã cho ra khoảng 2,41 triệu kết quả! Thông tin nhiều nhất và cập nhật gần đây nhất là vụ nhân viên quán ăn Bích Thủy ở chợ đêm TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đánh khách vào tối 6/3/2018 khiến một người bị thương, một người ngất xỉu tại chỗ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhập nhèm, tù mù chuyện giá cả lại còn phục vụ kém, khách không vừa lòng nên phản ứng và lấy điện thoại chụp ảnh. Thấy vậy, nhân viên quán liền giở trò “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”! Sau đó, quán bị xử phạt hành chính, bị tạm đình chỉ kinh doanh 7 ngày và trở thành “địa chỉ đen” trong lòng du khách mỗi khi nhắc tới thành phố ngàn hoa…
Công bằng mà nói, lâu nay, các quán ăn, nhà hàng ở Phú Yên nói chung và TP Tuy Hòa nói riêng, việc đón tiếp phục vụ du khách gần xa hầu như chưa có điều tiếng gì “nổi cộm” khiến báo chí hay mạng xã hội phải “dậy sóng” như ở những địa phương khác (Đà Lạt, Vũng Tàu, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…). Tuy nhiên, bên cạnh nhiều quán đã công khai rạch ròi biểu giá cho khách liệu túi tiền, vẫn còn có những quán vẫn chưa thật quan tâm chuyện này nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn không cần thiết. Bên cạnh những quán ngày càng cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ “Thượng đế” sao cho năm sau tốt hơn năm trước để “người ta lần sau tới còn ghé mình nữa”, thì vẫn còn những quán chưa chú lắm đến khâu này. Khách phương xa đến Phú Yên, ngoài thăm thú các danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếngnhư Gành Đá Đĩa, Bãi Xép, Mũi Điện, Tháp Nhạn, Hòn Yến, Nhà thờ Mằng Lăng…, còn tìm đến hàng quán để thưởng thức đặc sản địa phương. Vì thế, rất mong trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều quán ăn, nhà hàng biết tự “ghi điểm” trong lòng du khách như quán phở Hằng ở Quảng Trị để góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Phú Yên ngày một phát triển, ngày càng vang xa trong nước và ra quốc tế.
NGUYỄN THÀNH VINH
(phường 8, TP Tuy Hòa)