Nghệ thuật bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của người dân Trung Bộ, bao gồm các loại hình âm nhạc, thơ, diễn xuất sân khấu, hội họa, văn học… được biểu đạt dưới hình thức hội chơi (đánh) bài chòi và trình diễn bài chòi. Sau một thời gian dài mai một, có lúc tưởng như sẽ bị thất truyền, bài chòi đã hồi sinh trở lại.
Và từ lúc 15 giờ 15 (giờ Việt Nam) ngày 7/12/2017, “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” chính thức được UNESCO vinh danh, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) đại diện của nhân loại. Công bố này của UNESCO đã làm cho hàng triệu người dân miền Trung nói riêng, cả nước nói chung vỡ òa trong niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào, nhất là các nghệ nhân đã luôn gắn bó, sống chết với bài chòi. Trước đó, ngày 25/8/2014, “Nghệ thuật Bài chòi” (3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Nam) đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản VHPVT cấp quốc gia.
Vậy là từ một làn điệu dân ca, bài chòi đã trở thành một trò chơi dân gian - đánh bài chòi, thu hút, hấp dẫn mọi người qua nhiều thế hệ. Và cũng từ những làn điệu dân ca, bài chòi đã có bước đột phá trong phát triển, để trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống ca kịch bài chòi - một loại hình kịch chủng mới. Và sau hơn 3 năm trở thành Di sản VHPVT cấp quốc gia, bài chòi tiếp tục được vinh danh ở tầm quốc tế.
Để được công nhận là Di sản VHPVT đại diện của nhân loại, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam đã vượt qua sự đánh giá khắt khe của các cơ quan chuyên môn UNESCO, đáp ứng đủ 5 tiêu chí. Đó là (1) hoạt động văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, được truyền dạy chủ yếu trong gia đình, làng xóm, hội, câu lạc bộ và trường học. (2) Khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật. (3) Hồ sơ mô tả chi tiết, rõ ràng những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại để bảo vệ di sản và đảm bảo sự tồn tại của các cộng đồng, các nhóm người và các câu lạc bộ với sự hỗ trợ của Chính phủ (bao gồm việc tổ chức các hội bài chòi, trình diễn, giảng dạy bài bản và kỹ năng ca hát, cũng như kỹ thuật trình diễn, phương pháp làm thẻ bài và các kỹ năng chơi bài chòi). (4) Cộng đồng tích cực đóng góp ý tưởng cho việc sưu tầm và tư liệu hóa di sản, điền vào các mẫu kiểm kê và tham gia vào tất cả các công đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử. (5) Di sản này đã được Bộ VH-TT-DL Việt Nam đưa vào Danh sách di sản VHPVT quốc gia.
Trong không gian văn hóa, để nghệ thuật bài chòi được vinh danh, công nhận là Di sản VHPVT đại diện của nhân loại, Phú Yên được xem là một trong những cái nôi của di sản này. Cũng như Bình Định, bài chòi dân gian Phú Yên được giới nghiên cứu đánh giá là độc đáo, đa dạng... Nghệ nhân bài chòi dân gian của Phú Yên nhớ nhiều tuồng tích và giữ được chất cổ trong làn điệu. Đặc biệt, bài Trách phận là một sự phát triển mới rất đặc trưng của bài chòi Phú Yên. Mặc dù trong nhiều năm qua, Phú Yên không có Đoàn nghệ thuật Dân ca kịch Bài chòi như Bình Định, Khánh Hòa nhưng có rất nhiều câu lạc bộ bài chòi ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên ở khắp các địa phương. Sự truyền dạy của thế hệ trước cho thế hệ sau một cách tự nhiên cũng đã góp phần cho sự hồi sinh của bài chòi, góp phần để Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam có được vị thế như hôm nay.
Như đã nói ở trên, sau khi Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO chính thức vinh danh, trở thành Di sản VHPVT đại diện của nhân loại, nhiều người, nhất là các nghệ nhân bài chòi đã vỡ òa trong niềm vui sướng, tự hào. Các nghệ nhân bài chòi của Phú Yên như Vũ Hoài, Nguyễn Phụng Kỳ, Bình Thảng… đều bày tỏ, họ cảm thấy ấm lòng và thỏa mãn vì đã dốc hết tâm huyết để đeo đuổi nghiệp bài chòi. Anh chị em ở các câu lạc bộ bài chòi thì thêm tin tưởng, từ đây loại hình nghệ thuật đại diện cho nhân loại này sẽ được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ bởi được sự đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, ngành Văn hóa, địa phương và của UNESCO. Và điều mong ước giản đơn, cụ thể nhất của những người say mê nghệ thuật bài chòi là sẽ “có đất dụng võ”; những tiểu phẩm, kịch bản dân ca bài chòi sáng tác ra sẽ được cấp, hỗ trợ kinh phí dàn dựng, biểu diễn, mang lại đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh cho người dân.
LƯƠNG PHÚ (huyện Đông Hòa)