Phú Yên từ một tỉnh thuần nông, sau nhiều năm đổi mới và hội nhập, tỉ trọng nền kinh tế đã có sự thay đổi sâu sắc. Tuy nhiên, một bộ phận khá đông nông dân chủ yếu vẫn sống bằng nông nghiệp, dựa vào vài sào ruộng được chia từ thời triển khai Nghị định 64/CP hơn 2 thập kỷ trước.
Dù cây lúa có tầm quan trọng đến đâu, người nông dân cũng không thể đủ sống nếu chỉ dựa vào vài sào ruộng độc canh. Do diện tích canh tác của từng hộ gia đình quá ít, thời gian nông nhàn dài giữa hai vụ lúa, giữa thời gian chờ thu hoạch từng vụ lúa quá dài, đa số nông dân nghèo ở Phú Yên đều bươn chải làm đủ thứ nghề để có thêm thu nhập. Một bộ phận nông dân vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để bán vé số, phụ hồ, nhặt ve chai, làm ô sin…, kiếm sống qua ngày.
Quê hương Phú Yên cũng đã sử dụng quỹ đất khá lớn để mời gọi đầu tư nhưng nhà đầu tư đã động thổ, tĩnh thổ rồi “độn thổ”, gây lãng phí đất đai - nguồn tư liệu sản xuất quý giá - hàng chục năm trời. Hậu quả là nông dân không đủ đất để trồng trọt, chăn nuôi, không có việc làm tại địa phương nên tìm đường sinh sống ở miền đất khác. Một bộ phận người dân Phú Yên ly hương không phải vì sự hấp dẫn của các tỉnh phía Nam mà chủ yếu là bà con không có việc làm hoặc không có việc làm đủ sống trên chính quê hương mình. Một bộ phận lao động trình độ cao (đã qua đào tạo cơ bản) thì chưa tìm thấy hoặc không thể có công việc thích hợp, môi trường làm việc thích hợp ở quê hương mình.
15 năm trước, Tỉnh ủy Phú Yên đã có kế sách “ly nông bất ly hương” với việc mở ra 3 khu công nghiệp (Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu) và các cụm công nghiệp ở các huyện, kể cả 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân với mong muốn chuyển dịch lao động tại quê nhà, hình thành đội ngũ lao động có nghề từ vùng nông thôn rộng lớn, bà con nông dân có cơ hội ly nông bất ly hương. Thế nhưng thực tế 15 năm qua, sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở Phú Yên vẫn chưa tạo được việc làm căn cơ cho người đến tuổi lao động. Đó là một bài toán kinh tế, xã hội và cả văn hóa rất phức tạp không dễ gì có lời giải thỏa đáng trong một sớm một chiều.
Với những tín hiệu vui về cơ hội phát triển mới của tỉnh Phú Yên trong năm 2018, Phú Yên với ưu thế thiên nhiên ưu đãi chắc chắn sẽ trở thành một trong những thiên đường du lịch của quốc gia. Cùng với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu thu hút nhiều lao động phổ thông (chỉ cần qua đào tạo nghề ngắn hạn), như may mặc, nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng…, hy vọng Phú Yên sẽ tạo được nhiều việc làm tại chỗ, giảm áp lực di dân đến các thành phố lớn ở phía Nam.
Rất mong lãnh đạo tỉnh tạo môi trường đầu tư thông thoáng để Phú Yên thật sự là “điểm đến thân thiện và hấp dẫn” nhằm phát triển quê hương, tạo ra nhiều việc làm để người dân hoàn toàn yên tâm an cư lạc nghiệp ở quê hương mình.
THIÊN TRÙ
(phường 7, TP Tuy Hòa)